Tăng cường tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19

21/09/2022 - 06:54

 - Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực tế đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Tỉnh An Giang tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống người dân dần trở lại bình thường.

Thành công, nhưng không chủ quan

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, cả nước thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định trụ cột và công thức phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai phòng, chống dịch trong tình hình mới; thực hiện linh hoạt, hiệu quả công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”, nhằm kiểm soát dịch bệnh và góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, được tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Đặc biệt, Nikkei đánh giá Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về chỉ số phục hồi COVID-19.

An Giang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến ngày 14/9, tỷ lệ tiêm vaccine của người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1 là 100,3%, mũi 2 là 99,6%, mũi 3 là 67,3%, mũi 4 là 90,5% (số mũi 4/số đối tượng 294.556). Tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 1 là 105,1%, mũi 2 là 100,9%, mũi 3 là 43,5%. Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tiêm mũi 1 là 90,1%, mũi 2 là 73,3%. Song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đang tập trung phòng, chống dịch bệnh lưu hành tại địa phương (sốt xuất huyết, tay-chân-miệng).

 “Quyết tâm không để dịch bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan, người đứng đầu nơi đó chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Dự báo, dịch bệnh còn diễn biến khó lường trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch; những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, gia tăng trở lại. Tại Việt Nam, dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng tháng 7 và tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca); ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng...

Tại An Giang, 8 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, trung bình 29 ca/tuần, điều trị khỏi 24 ca/tuần. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, dù dịch được kiểm soát tốt; chỉ đạo ngành y tế cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và cả nước, đặc biệt là biến thể BA.4, BA.5 của chủng Omicron. Đồng thời, liên hệ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh gửi mẫu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Tăng cường giải pháp đồng bộ

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu ban chỉ đạo các cấp giám sát ca nhiễm ngoài cộng đồng, tổ chức và quản lý tốt trường hợp cách ly tại cơ sở điều trị và cách ly điều trị tại nhà. Duy trì hoạt động thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện tuyến tỉnh (điều trị bệnh nặng), trung tâm y tế tuyến huyện (điều trị bệnh nhân nhẹ, trung bình) và có kế hoạch tổ chức thu dung, điều trị COVID-19 trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao) trong tháng 9.

Đẩy mạnh truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine; cảnh báo các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm COVID-19. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn. Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát; giám sát phát hiện sớm ca bệnh tay-chân-miệng; cách ly và điều trị trẻ theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sổ sức khỏe điện tử trong tiêm chủng; phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, đường dây nóng để tư vấn sức khỏe và trả lời thông tin liên quan đến dịch bệnh cho người dân.

 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang yêu cầu ngành y tế chỉ đạo cơ sở điều trị tiếp tục giám sát, phát hiện ca bệnh COVID-19, thu dung và cách ly điều trị theo quy định. Chuẩn bị phương án kích hoạt cơ sở điều trị COVID-19 khi cần thiết. Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

HỮU HUYNH