Tăng cường xử lý ngư cụ cấm

01/11/2023 - 05:58

 - Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các địa phương có khu vực xả lũ của TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã thực hiện nhiều đợt ra quân xử lý ngư cụ cấm trên địa bàn quản lý. Hiện nay, công tác này đã thu được kết quả nhất định, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Thời điểm mùa nước nổi dâng cao, những cánh đồng xả lũ trên địa bàn phường Nhơn Hưng cũng bước vào mùa khai thác cá của ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh các hình thức khai thác cá bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vẫn tồn tại những ngư cụ cấm đánh bắt kiểu tận diệt. Do đó, UBND phường Nhơn Hưng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý ngư cụ cấm, nhằm bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên vốn đã bị khai thác, đánh bắt không còn phong phú, dồi dào như trước.

Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng Nguyễn Thành Bảo cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND TX. Tịnh Biên, chúng tôi đã ra quân tuyên truyền, kiểm tra và xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên địa bàn phường. Những năm qua, công tác này vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục trong mùa nước nổi. Tất nhiên, việc mưu sinh của người dân không ai ngăn cấm, nhưng họ cần phải đảm bảo quy định của pháp luật trong quá trình khai thác thủy sản. Chúng tôi đã ra quân thực hiện kiểm tra ngư cụ cấm đợt 1 và xử lý một số trường hợp vi phạm”.

Theo ông Nguyễn Thành Bảo, đoàn kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Nhơn Hưng tập trung tuyên truyền và kiểm tra, xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên các cánh đồng xả lũ, các tuyến kênh rạch của địa phương ngay từ đầu mùa lũ. Hình thức chủ yếu là tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Người dân không khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm

“Chúng tôi đã đến từng gia đình theo nghề khai thác thủy sản tại địa phương để tuyên truyền trực tiếp, vận động họ không khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Theo đó, đã có 40 hộ cam kết không khai thác thủy sản bằng các ngư cụ cấm, như: 12 cửa ngục, đặt dớn, sử dụng xung điện… Bên cạnh, còn tuyên truyền trên hệ thống loa phường 3 buổi/tuần về các loại hình khai thác thủy sản bị cấm, vận động ngư dân không buôn bán cá con cho các tiểu thương ở chợ” - ông Nguyễn Thành Bảo cho hay.

Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Nhơn Hưng đã nhắc nhở 4 ghe cào hến đến từ xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) làm cam kết không tái phạm. Nhắc nhở 1 hộ dân phường Nhà Bàng làm cam kết và tự tháo dỡ dớn. Về xử lý, đoàn kiểm tra cũng tháo dỡ 32 cái lú bắt cá, cắt 50m lưới đường ven, vận động người dân tự tháo dỡ tại chỗ 500m đường ven dớn… để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

UBND phường Thới Sơn đã tổ chức 4 đợt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người dân khai thác thủy sản đúng quy định. Phó Chủ tịch UBND phường Thới Sơn Nguyễn Văn Sơn thông tin: “Chúng tôi không xử lý ngay với ngư dân, mà chủ yếu vận động họ tự tháo dỡ ngư cụ cấm, với thời hạn khắc phục 3 ngày. Nếu ngư dân không chấp hành, mới đến bước phải xử lý. Dù đây là hoạt động mưu sinh, nhưng người dân cần chấp hành quy định pháp luật về việc không sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản. Khi đó, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ tự do mưu sinh”.

Sau 4 đợt ra quân kiểm tra, xử lý từ đầu mùa lũ đến nay, UBND phường Thới Sơn đã cho 26 trường hợp cam kết tự tháo dỡ ngư cụ cấm, lập biên bản thu giữ dụng cụ phát điện của 1 ghe cào. Đồng thời, tiếp tục tăng cường vận động, kiểm tra, xử lý ngư cụ cấm cho đến cuối mùa lũ năm nay.

Là ngư dân chuyên thả lưới trên kênh Trà Sư, ông Tư Cờ (ngụ phường Nhơn Hưng) chia sẻ: “Bắt cá thì có nhiều cách. Tui thì từ nào giờ chỉ giăng lưới, quăng chài kiếm cá đắp đổi qua ngày. Mà dân dổ dớn, xuyệt điện chủ yếu ở nơi khác tới thôi, người địa phương đã làm cam kết với chính quyền rồi. Mùa lũ nhỏ nên cá ít là một chuyện, người ta khai thác cá kiểu tận diệt cũng là một nguyên do. Cá chưa kịp lớn, chưa lên đồng đẻ trứng được đã bị xuyệt điện chết, thì cuối mùa lũ sản lượng ít đi là hiển nhiên thôi”.

Dù đã tăng cường xử lý, nhưng các địa phương vẫn gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Trong đó, đa số người đến khai thác thủy sản tại  những cánh đồng xả lũ ở Tịnh Biên là dân từ địa phương khác tới, việc xử lý cũng gặp khó khăn. Mặt khác, mục tiêu chuyển đổi nghề cho những trường hợp này để có cuộc sống ổn định vẫn chưa thực hiện được, nên việc họ trở lại với nghề bà cậu còn phổ biến. Bên cạnh, phương tiện tuần tra của đoàn công tác có công suất nhỏ hơn ghe cào, nên cũng hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

“Hướng tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân về Luật Thủy sản để họ không vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền người dân địa phương không sang Campuchia đánh bắt thủy sản trái pháp luật. Cùng với đó, sẽ tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên đến hết mùa lũ năm nay, để người dân cùng giữ gìn “món quà” của lũ đã dành cho người dân ở châu thổ qua nhiều thế hệ” - Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng Nguyễn Thành Bảo xác định.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Từ nay đến cuối mùa lũ năm 2023, chúng tôi yêu cầu Đoàn kiểm tra và xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm của thị xã kịp thời phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, như: Đặt dớn, cào đáy, xung điện… để khai thác thủy sản trong nội đồng khi lũ về và các tuyến kênh rạch trên địa bàn. Tăng cường ra quân tuần tra, xử lý nghiêm các hoạt động sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản, nhằm bảo vệ nguồn lợi từ thiên nhiên.

THANH TIẾN