Động lực cho người lao động
Chia sẻ niềm vui được tăng lương, chị Phan Thị Thùy Trang (giáo viên Trường THCS Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) cho hay, công tác được 10 năm, đây là lần tăng lương cao nhất chị được nhận. So với mức lương cũ, chính sách lương mới giúp chị có thêm 3 triệu đồng. “Tôi và các đồng nghiệp rất phấn khởi, có thêm động lực để phấn đấu.
Ngoài ra, mọi người rất vui khi biết phụ cấp của giáo viên được giữ nguyên. Ngày thường, nhiều anh chị đồng nghiệp phải làm thêm “nghề tay trái” mới đủ trang trải cuộc sống, nay chúng tôi có thể yên tâm hơn. Vợ chồng tôi đều làm nghề giáo, tăng lương là sự cải thiện rất ý nghĩa, giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình tốt hơn, nhất là khi tôi đang có con nhỏ, đến tuổi đi học, phải tốn nhiều chi phí” - chị Trang bày tỏ.
Mức đóng bảo hiểm y tế tăng nhưng cũng tăng quyền lợi của người thụ hưởng
Gắn bó lâu năm với ngành giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) Nguyễn Thị Ánh Hồng không giấu được niềm vui. Cô Hồng cho hay: “Tính theo điều chỉnh mới, cả lương và các khoản phụ cấp thì tôi được lãnh hơn 15 triệu đồng. Đây là niềm mong đợi từ rất lâu của tôi và tất cả giáo viên".
Cùng tâm trạng trên, chị Trương Xuân Lan (Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế TX. Tịnh Biên) cho rằng, đợt tăng lương này rất thiết thực, vì lương là nguồn thu nhập chính của người làm trong cơ quan Nhà nước. Được đảm bảo thu nhập, công chức, viên chức thêm yên tâm công tác, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc hiệu quả, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự quan tâm và chăm lo của Đảng và Nhà nước.
Sự thiết thực này được anh H.N., công chức cấp xã ở một huyện miền núi lý giải, với chức trách nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) phải đảm bảo, cố gắng để hoàn thành tốt phần việc của mình, dù được tăng lương hay không. Nhưng tăng lương chắc chắn mọi người sẽ vui hơn, vì có thêm chi phí để trang trải cuộc sống. Ba năm qua, mức lương cơ sở không được điều chỉnh tăng khiến cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, phát sinh tình trạng CB,CC,VC nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư gia tăng. Việc điều chỉnh lương cơ sở lần này thật sự có ý nghĩa lớn, cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng chi ngân sách để cải cách chế độ tiền lương cho CB, CC, VC. Niềm vui này này đã tiếp thêm cho họ động lực cống hiến.
Niềm vui chung
Điểm đáng chú ý của lần tăng lương này là ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và 10% tiền thưởng. Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng, thì tiền lương trung bình của CB,CC,VC tăng hơn 32% so thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Mặc dù lần này vẫn phải tiếp tục “lỡ hẹn”, trong lúc chờ thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, phương án tối ưu nhất là tăng lương đã giúp tất cả đều vui. Ngoài một số cơ quan kịp thời chi trả lương theo mức tăng mới, các đơn vị còn lại cũng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để kịp truy lĩnh cho CB, CC,VC vào tháng kế tiếp.
Nỗi lo hàng hóa tiêu dùng tăng giá theo đồng lương
Cùng với CB,CC,VC thì lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 15% từ ngày 1/7. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có trên 16.700 người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Mức tăng này nhận được sự đồng tình, được xem là tín hiệu mừng vì mạng lưới an sinh không bỏ quên một ai.
Ông Nguyễn Thái Bình (cán bộ hưu trí xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) cho rằng, với những người nghỉ hưu, đây là niềm vui và cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt. Mức tăng lương hưu với tỷ lệ 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng.
Bà Huyền Linh (cán bộ hưu trí ở huyện Phú Tân) chia sẻ: “Chúng tôi đã có nhiều năm tận tụy với nhiệm vụ được giao, về hưu vẫn được chăm lo các chế độ đầy đủ quyền lợi. Nghe tin đợt tăng lương, không chỉ có những người đang làm việc ở cơ quan Nhà nước được thụ hưởng, mà chúng tôi - những người đã về hưu cũng hưởng thêm mức lương mới, quá vui vì được tăng lương thì chi tiêu cũng rộng rãi hơn".
Ông Huỳnh Văn Thu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn) cũng bày tỏ sự vui mừng, vì lương hưu được tăng thêm giúp ông có thêm chi phí chăm sóc sức khỏe ở tuổi xế chiều.
Băn khoăn những góc nhìn khác
Lương cơ sở tăng đem đến niềm vui cho NLĐ, thì lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải đứng trước bài toán cân đối tài chính, đảm bảo việc chi trả lương cho CB,CC,VC và NLĐ của đơn vị. Đơn cử như ngành y tế, mức lương cơ sở tăng, trong khi nguồn thu chưa tăng, các đơn vị cho biết sẽ xem xét qua 1 - 2 tháng mới có thể đánh giá được tình hình và có giải pháp phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện có nhiều đơn vị đã bảo đảm tự chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Nhiều người trong ngành y tế bày tỏ băn khoăn khi tại đơn vị tăng lương thì có tăng thu nhập cho nhân viên y tế hay không? Bởi mức tăng 30% là “lương cứng”, còn khoản thu nhập tăng thêm thì vẫn chưa rõ.
Trước áp lực về việc cân đối nguồn tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập, giải pháp trước mắt là cân đối các nguồn quỹ, thực hiện các biện pháp tiết kiệm để bù vào phần chênh lệch lương mới. Một số đơn vị cho biết sẽ cố gắng cơ cấu lại các nguồn chi để vận hành với mức tối thiểu nhất.
Bên cạnh đó, các đơn vị ngành y tế phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ thêm các tiện ích để bù lại phần hao hụt. Ngoài ra, trong tâm thế đón nhận thông tin từ sớm, một số đơn vị đã có sự chủ động chuẩn bị để vừa đảm bảo trích lập quỹ lương thực hiện tăng lương cơ sở theo quy định mới, nhưng cũng không tạo ra áp lực để ảnh hưởng đến việc thu - chi nói chung.
Tuy nhiên, hầu hết người nhận lương đều cho rằng, áp lực chính không nằm ở bài toán tài chính của nội bộ, mà chủ yếu ở giá cả bên ngoài. Ghi nhận thực tế, hơn 1 tháng trước, trong khi tại các siêu thị, giá cả vẫn được giữ tương đối bình ổn thì ngoài chợ truyền thống, tiệm bán lẻ… giá các mặt hàng thịt, hải sản, rau củ đã tăng giá.
Thậm chí, trước thời điểm tăng lương, nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng giá. Giá rau xanh đã tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/bó; các loại gạo tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg; những địa phương có đông NLĐ làm việc như thành phố, khu công nghiệp, giá thuê phòng trọ đã tăng thêm 50.000 - 100.000 đồng…
Để niềm vui tăng lương trọn vẹn, người dân mong muốn cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều giải pháp để chống lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… CB,CC,VC cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương, cũng như triển khai thêm nhiều giải pháp để việc tăng lương thực sự phát huy ý nghĩa, chứ không phải vừa mừng, vừa lo, thấp thỏm như hiện nay.
Nỗi lo bảo hiểm
Khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng các loại bảo hiểm cũng sẽ tăng theo. Người thứ 1 tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình đóng 972.000 đồng/năm sẽ tăng lên 1.263.600 đồng/năm (tăng 291.600 đồng). Người thứ 2, tính bằng 70% mức đóng của người thứ 1; người thứ 3, đóng bằng 60%; người thứ 4, bằng 50% và người thứ 5 trở đi được tính bằng 40% mức đóng của người thứ 1.
“Đối với người có việc làm ổn định, mức đóng bảo hiểm được trừ một phần trong lương, còn những người làm việc tự do, thu nhập bấp bênh bên ngoài, mức đóng mới theo hộ gia đình khiến họ sẽ thấy “ngán”; việc thu BHYT của học sinh ở trường học trong năm học mới theo đó sẽ khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc tăng lương chỉ áp dụng đối với CB,CC,VC trong khi mức đóng bảo hiểm thì áp dụng toàn dân. Ở vùng nông thôn, nhiều gia đình đông con, kinh tế eo hẹp, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tự nguyện… nên việc tuyên truyền, thuyết phục gặp khó khăn hơn” - chị Trần Thị B. L (viên chức ở TX. Tân Châu) bày tỏ.
Về khó khăn này, ngành BHXH và các địa phương tăng cường truyền thông ở địa bàn dân cư, khu chợ truyền thống, văn phòng ấp… Đồng thời, xác định mô hình “Ấp, chi, tổ hội BHYT kiểu mẫu”, vận động “cuốn chiếu” ở các địa bàn có tỷ lệ tham gia cao và lần lượt đến các địa bàn còn lại.
Riêng những hộ quá khó khăn, địa phương, đoàn thể tranh thủ các nguồn lực ủng hộ, vận động từ nhà hảo tâm, thực hiện các mô hình tiết kiệm… nhằm san sẻ chi phí mua bảo hiểm để đảm bảo chỉ tiêu bao “phủ” tỷ lệ người dân tham gia BHYT, giữ vững mục tiêu an sinh xã hội.
Đặc biệt, người dân cần biết, song song với tăng mức đóng thì quyền lợi hưởng chi phí cho 1 lần khám, chữa bệnh được BHYT chi trả 100% cũng tăng theo. Nếu trước ngày 1/7/2024 khám bệnh dưới 270.000 đồng được BHYT chi trả 100%, thì từ ngày 1/7/2024, nếu khám bệnh dưới 351.000 đồng sẽ được BHYT chi trả 100%.
Tăng lương giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh giá cả thị trường và các chi phí ngày một tăng. Mục tiêu của điều chỉnh lương, lương hưu và trợ cấp cho người có công, người hưởng bảo trợ xã hội là để bù đắp trượt giá.
|
Cùng với khu vực công, ngày 3/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Nghị định 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022. Theo đó, mức lương tối thiểu tại vùng I tăng 280.000 đồng, từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng 250.000 đồng, từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng 220.000 đồng, từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng 200.000 đồng, từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.
|
MỸ HẠNH - PHƯƠNG LAN