Mô hình trồng mít Thái của nông dân Đặng Văn Nhiển
Gia đình anh Nhiển sở hữu 2.500m2 đất bờ rào và 5.000m2 đất sản xuất nếp. Do hiệu quả kinh tế đất bờ rào mang lại không cao, thường xuyên phải bỏ hoang, không mang lại thu nhập, cuối năm 2016, anh quyết định cải tạo 1.500m2 diện tích để trồng cây mít Thái. Một năm sau, anh tiếp tục chuyển 1.000m2 còn lại trồng cà na Thái.
Trong thời gian này, anh Nhiển thường xuyên tham gia sinh hoạt tại chi, tổ Hội Nông dân để được tiếp cận và học tập kinh nghiệm sản xuất từ các lớp tập huấn do ngành chuyên môn tổ chức, trong đó có hướng dẫn về cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng cây ăn trái, đặc biệt rất tâm đắc với lớp kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng an toàn do địa phương tổ chức. Thời gian đợi cây cho trái, anh trồng xen ấu, xoài và chuối để xoay đồng vốn.
“Giữa vườn cà na, tôi đào mấy đường rãnh để tích nước tưới, tiện thể trồng khoảng 700m ấu nhằm tạo thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù chỉ là cây trồng phụ, ít phải bỏ công chăm sóc, ấy vậy mà trong 1 năm cũng thu hoạch được 2 mùa, kiếm thêm được 10 triệu đồng mỗi đợt bán, năm nào thời tiết thuận lợi thì “bỏ túi” hơn 15 triệu đồng. Còn số chuối và xoài trồng xen trong vườn tuy không nhiều nhưng cho trái bán liên tục, đủ chi phí để trang trải sinh hoạt hàng ngày” - anh Nhiển chia sẻ.
Cuối năm 2019, số cà na bắt đầu thu hoạch kéo dài đến nay, bình quân mỗi ngày thu hoạch được 5-10kg trái tươi, bán hết cho bạn hàng. Ngoài ra, còn có số lượng ít làm thêm các sản phẩm như: cà na ngào đường, cà na muối… theo yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, mít Thái là cây trồng chủ lực với 70 gốc đem về nguồn thu nhiều nhất.
Sau 1 năm trồng, anh Nhiển nhẩm tính, mô hình làm vườn bước đầu khá hiệu quả, lợi nhuận thu được cao. Trong đó, tổng thu nhập từ mít Thái và cà na của gia đình đạt 90 triệu đồng (70 triệu đồng từ bán mít và 20 triệu đồng từ cà na Thái), sau khi trừ chi phí anh còn lãi 68 triệu đồng. So sánh thực tế thì việc chuyển đất bờ rào, vườn tạp qua trồng cây ăn trái cho thu nhập vượt trội hơn hẳn.
Từ hiệu quả trên và qua tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã Phú Lâm, anh Nhiển chuyển toàn bộ 5.000m2 đất trồng nếp sang trồng cà na Thái và sầu riêng, hiện cây đang phát triển tốt. Mô hình được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, địa phương đã hỗ trợ anh Nhiển lắp đặt hệ thống tưới phun ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm chi phí, ngày công lao động.
Kinh tế thu được từ vườn cây đạt khá và tương đối ổn định giúp đời sống của gia đình anh Nhiển không ngừng được cải thiện, cả về nơi ăn chốn ở cũng như các phương tiện đi lại, con cái có điều kiện học tập và phát triển tốt hơn. Ngoài việc chăm lo sản xuất phát triển kinh tế, anh Nhiển còn tích cực vận động các hộ trong và ngoài ấp học tập làm theo, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm có được, đặc biệt là kỹ thuật trồng chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn trái đạt hiệu quả tốt nhất.
Thống kê trên toàn xã Phú Lâm, từ năm 2016 đến nay có 123 hộ có diện tích đất vườn tạp, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: mít, ổi, xoài, bưởi, cà na, hồng xiêm… tổng diện tích 24,5ha, trong đó có 9,6ha vườn đã cho thu hoạch, đạt doanh thu khá cao. Sự chuyển biến tích cực này góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đây là hướng đi được khuyến khích theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Huyện ủy Phú Tân và Nghị quyết số 57 của Đảng ủy xã Phú Lâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết việc làm cho bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Hy vọng về lâu dài trên địa bàn xã sẽ có tổ hợp tác dành riêng cho nông dân làm vườn để bà con được hỗ trợ nhau và tiếp cận các nguồn ưu đãi của cấp trên dành cho hội viên nông dân.
MỸ HẠNH