Tăng thu nhập từ vườn ươm rau giống

08/01/2024 - 06:24

 - Xã Bình Thủy là một trong địa phương có diện tích trồng rau màu lớn nhất của huyện Châu Phú nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Do vậy, nhu cầu về cây giống của người dân khá lớn. Nắm bắt cơ hội, anh Lê Minh Toàn (ngụ ấp Bình Hòa) chuyển từ canh tác rau màu thương phẩm sang sản xuất cây giống.

Mạnh dạn chuyển đổi

Hơn 1 năm trở lại đây, vườn ươm rau giống của gia đình anh Lê Minh Toàn trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã. Khoảng 6.000m2 đất dành trồng cây giống, anh Toàn ươm rau, cải theo yêu cầu thị trường, như: Cải sậy, cải bắp, cà, ớt, tía tô, cần tàu, hành hột… Anh Toàn cho biết, thời điểm này, cải sậy và ớt là 2 mặt hàng được nông dân lựa chọn nhiều nhất.

Chia sẻ quá trình đến với mô hình ươm cây giống, anh Toàn kể: “Cũng như nhiều hộ dân khác ở xã, trước đây, kinh tế gia đình tôi dựa vào việc canh tác rau màu thương phẩm. Gần đây, nhận thấy nhu cầu cây giống của người dân ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung chủ yếu là “tự cung, tự cấp”, hoặc mua từ các địa phương khác (huyện Chợ Mới, TP. Cần Thơ…). Từ thực tế đó, cộng với những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình sản xuất, tôi mạnh dạn chuyển sang sản xuất cây giống để cung ứng cho người dân”.

Anh Toàn (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân

Theo anh Toàn, việc ươm rau giống cho thu nhập cao hơn trồng rau thương phẩm, nhưng khá vất vả, đòi hỏi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đối với hạt giống, anh Toàn chỉ lựa chọn đại lý, công ty uy tín, nhằm bảo đảm chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao, chống được sâu bệnh… Đối với giá thể, anh sử dụng đất sạch, mụn dừa và tro trấu.

“Mụn dừa được ngâm xả nhiều lần bằng nước vôi, nước sạch cho hết chất chát (chất tanin, màu vàng nâu); tro trấu cũng được ngâm xả nhiều lần để bớt muối. Bên cạnh đó, hạt giống được xử lý trước khi ươm. Nhờ vậy mà hạt nẩy mầm tốt, chất lượng đảm bảo” - anh Toàn chia sẻ.

Để có được cây giống chất lượng đến tay nông dân, phải trải qua nhiều công đoạn, như: Trộn giá thể, vô hạt, ươm giống, đem ra nhà lưới… Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm nghề phải có kỹ thuật nhất định. Khi ươm giống, phải thường xuyên chăm sóc, tỉ mỉ từng công đoạn tưới nước giữ ẩm, bón phân, theo dõi phòng trừ sâu bệnh… Nhờ vậy, khi đưa ra môi trường thực tế, cây non phục hồi nhanh, tỷ lệ sống cao.

Thông thường, rau giống sau khi ươm khoảng 20 - 30 ngày có thể xuất bán. “Trong khi đó, đối với ớt, thời gian dao động từ 25 - 30 ngày. Tùy theo đoạn đường di chuyển, giá cây giống đến với khách hàng từ 140.000 - 320.000 đồng/1.000 cây” - anh Toàn cho biết.

Thu nhập cải thiện

Nhờ chất lượng đảm bảo, giá cạnh tranh nên cây giống của gia đình anh Lê Minh Toàn được thị trường đón nhận. Sản phẩm có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh (Đồng Tháp, Vĩnh Long…). Mỗi ngày, anh Toàn cung cấp ra thị trường 50.000 - 60.000 cây giống các loại, mang về thu nhập 15 - 17 triệu đồng/tháng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, mô hình ươm rau giống còn góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động, mức thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày, tùy công đoạn.

Cây giống phải trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt

Là một trong những khách hàng thân thiết của gia đình anh Lê Minh Toàn, anh Đặng Thanh Dũng (ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Thủy) cho biết: “Trước đây, tôi tự ươm cây giống, nhưng chất lượng không cao, hao hụt khá nhiều. Cây giống bên anh Toàn chất lượng hơn, tỷ lệ hao hụt ít, nên tôi rất an tâm mua”.

Chỉ cần khách hàng gọi điện đặt hàng là anh Toàn giao hàng tận nơi. Ngoài cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, anh còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, lựa chọn giống cây trồng hiệu quả, phù hợp theo từng thời vụ, giúp bà con nông dân có vụ mùa bội thu.

Không chỉ chủ động được nguồn giống cung cấp kịp thời cho nông dân, mô hình ươm cây giống của gia đình anh Lê Minh Toàn còn đáp ứng nhu cầu thị trường về sản xuất sạch. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình, nghiên cứu phương pháp trồng mới, giống cây trồng mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân trong và ngoài địa phương.

ĐỨC TOÀN