Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện

19/02/2018 - 14:29

Sau một thời gian triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” cán bộ y tế và người dân đã tin tưởng vào thuốc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Đặc biệt, khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân trong việc phòng và chữa bệnh.

Công tác đấu thầu, cung ứng, sử dụng thuốc Việt Nam đã được chú trọng, tăng cường về số lượng cũng như chất lượng nhằm đảm bảo công tác điều trị, tạo sự tín nhiệm trong người dân.

Sản xuất thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tuy nhiên, để triển khai giai đoạn 2 của Đề án đạt hiệu quả, Bộ Y tế đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của giai đoạn 1, phấn đấu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. 

Bệnh viện Trung ương còn ít sử dụng thuốc nội 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án còn một số sở y tế, bệnh viện chưa thực sự tích cực trong công tác đánh giá, báo cáo tổng kết còn chậm. Đến nay, chỉ có 27 sở y tế báo cáo thành lập ban chỉ đạo triển khai Đề án cấp tỉnh. 

Bên cạnh đó, dù việc sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện và tỉnh tăng cao nhưng các bệnh việc ở tuyến trung ương, tuyến cuối việc sử dụng thuốc trong nước vẫn ở mức thấp, khoảng 11%, thậm chí dưới 5% như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lão khoa quốc gia.

Một số bệnh viện tuyến cuối do đặc thù riêng nên thuốc sử dụng đều là thuốc chuyên khoa sâu như: gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép hoặc các kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc sốc nhiễm trùng, thuốc chống ung thư... nhưng phần lớn các thuốc trong nhóm này lại chưa sản xuất được trong nước.

Song dấu hiệu đáng mừng là dù thuốc nội theo giá trị sử dụng tại các bệnh viện tuyến cuối thấp nhưng số lượng mặt hàng đã có sự tăng mạnh. Trong đó nổi lên một số bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy tỷ lệ sử dụng thuốc nội theo giá trị chỉ đạt khoảng 13% nhưng theo số lượng mặt hàng lên tới 40%; Bệnh viện Thống Nhất tỷ lệ sử dụng thuốc nội theo giá trị gần 21% song số lượng mặt hàng lên tới hơn 65%... 

Thực tế cho thấy các bệnh viện cũng gặp một số khó khăn dẫn đến việc gián đoạn sử dụng thuốc sản xuất trong nước như nhà sản xuất không cung cấp kịp thời khi trúng thầu hoặc gặp sự cố yêu cầu đổi hàng thì thời gian kéo dài quá lâu ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. 

Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến khích các nhà sản xuất thuốc trong nước đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, liên doanh liên kết, hoặc sản xuất nhượng quyền để sản xuất được các loại thuốc cho các chuyên khoa sâu, đặc trị nhằm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nhóm thuốc này. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing, quảng cáo nên sản phẩm chưa có vị thế xứng đáng trên thị trường. Giá trị thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng tại các bệnh viện là do giá thuốc sản xuất trong nước thấp hơn nhiều lần thuốc nhập khẩu. 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" đã được xây dựng và triển khai nhằm lựa chọn, tôn vinh, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất thuốc và các sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam trên năm kênh truyền thông chính gồm truyền hình, phát thanh, báo giấy, Internet và truyền thông trực tiếp thông qua các triển lãm, sự kiện, tọa đàm... 

Thực hiện nghiêm việc kê đơn, khám chữa bệnh 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết giai đoạn 2 của Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" (2017-2020) được triển khai nhằm phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất thuốc trong nước chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. 

Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở y tế cần tăng cường chỉ đạo, động viên đội ngũ bác sỹ phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao y đức cách mạng, thực hiện nghiêm các quy định về kê đơn khám chữa bệnh; tổ chức chiến dịch hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng hành động thiết thực trong khám chữa bệnh, kê đơn, sử dụng thuốc được sản xuất tại Việt Nam.

Bác sỹ tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Giám đốc bệnh viện có thể tổ chức phát động thi đua để mỗi khoa phòng, mỗi bác sỹ đăng ký tham gia cuộc vận động này đều có cam kết bằng những chương trình và số liệu cụ thể. Đồng thời, các sở y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động; có biện pháp tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong triển khai đề án; chú trọng và nâng cao vai trò của dược liệu, thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu khi triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo. 

Bên cạnh đó, nhà sản xuất thuốc trong nước cần có kế hoạch, lập đề án nghiên cứu và phát triển hoặc liên doanh liên kết, sản xuất nhượng quyền để sản xuất thuốc sử dụng cho các bệnh chuyên khoa, đặc trị. Các nhà sản xuất trong nước cũng cần tự nghiên cứu, cải thiến kỹ thuật, nâng cao hơn nữa về chất lượng thuốc, đảm bảo yêu cầu điều trị hiệu quả, đặc biệt là nghiên cứu thử tương đương sinh học các sản phẩm thuốc do đơn vị mình sản xuất.

Ngoài ra, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tích cực triển khai các hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu bằng nhiều hình thức để kêu gọi nhân dân, thầy thuốc ủng hộ thuốc sản xuất trong nước; công khai cho người tiêu dùng biết thông tin chính xác về thuốc do mình sản xuất, công khai giá thành sản phẩm và những bằng chứng về hiệu quả điều trị để người dân tin tưởng sử dụng./. 

Theo THU PHƯƠNG (Vietnam+)