Tập trung cho vụ hè thu 2024

19/04/2024 - 06:10

 - Do ảnh hưởng thời tiết, dịch hại, đặc biệt là rầy phấn trắng, năng suất vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 thấp hơn cùng kỳ. Từ kinh nghiệm vụ sản xuất này, ngành nông nghiệp quyết tâm triển khai xuống giống vụ hè thu và thu đông 2024 đạt hiệu quả, đảm bảo ăn chắc trước tác động của biến đổi khí hậu.

Thay đổi tư duy sản xuất

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống 227.637ha lúa, đạt 99,82% so kế hoạch xuống giống 228.055ha. Năng suất trung bình lúa đông xuân 7,39 tấn/ha, giảm 0,21 tấn/ha so vụ đông xuân 2022 - 2023; sản lượng dự kiến đạt 1,6 triệu tấn.

Một trong những điểm nhấn của vụ đông xuân là giống lúa chất lượng cao chiếm 85% diện tích xuống giống (Đài Thơm 8, OM18, Nàng Hoa 9, lúa Nhật, ĐS1, Jasmine 85…), gieo trồng hầu hết 11 huyện, thị xã, thành phố; giống lúa thơm đặc sản (nếp) chiếm 7,4%, tập trung ở các huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tân Châu; giống lúa chất lượng trung bình (IR50404) chỉ chiếm 11,7% (cùng kỳ 12,2%). Nông dân có sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán sạ dày sang giảm lượng giống gieo sạ.

Ghi nhận trong vụ đông xuân 2023 - 2024, diện tích sử dụng dưới 100kg giống/ha (cấy) là 12.247ha, chiếm 5,38% diện tích xuống giống; từ 100 - 150kg/ha là 213.341ha, chiếm 93,72%; trên 150kg/ha là 2.049ha, chiếm 0,9%. Đồng thời, quan tâm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng” (tập quán cũ là phun thuốc định kỳ); siết nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng...

Triển khai sản xuất vụ hè thu và thu đông 2024

“Dù đạt kết quả tích cực nhưng nhìn chung, canh tác lúa vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Vụ đông xuân năm nay, nông dân tốn nhiều chi phí xử lý dịch hại. Những đối tượng như rầy phấn trắng, muỗi hành trước đây là thứ yếu thì giờ lại gây hại chính yếu, nông dân phun thuốc BVTV nhiều, vừa tốn kém, vừa gây mất cân bằng sinh thái, tiêu diệt luôn thiên địch. Do thiếu thiên địch nên dễ xảy ra cháy rầy dù số lượng chưa nhiều” - ông Nguyễn Văn Hiền phân tích.

Tăng sức chống chịu cho cây lúa

Vụ hè thu 2024, tỉnh có kế hoạch xuống giống 228.009ha lúa, ước năng suất lúa bình quân đạt 6,02 tấn/ha, sản lượng hơn 1,37 triệu tấn; dự kiến đến ngày 10/5 (3/4 âm lịch) là kết thúc xuống giống. Trong đó, lưu ý đợt xuống giống tập trung né rầy từ ngày 25/4 - 2/5 (từ 17 - 24/3 âm lịch), xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch đông xuân đại trà và muộn (huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc).

Đến nay, có 14 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 70.850ha lúa hè thu, chiếm 31,07% diện tích xuống giống. Các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch. Trong đó, lưu ý 2 đợt cao điểm thu hoạch, gồm: Đợt 1 (từ ngày 20/7 - 3/8), thu hoạch khoảng 280.000 tấn; đợt 2 (từ ngày 10/8 - 24/8), thu hoạch khoảng 300.000 tấn.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam Đỗ Văn Vấn cho rằng, đặc thù của vụ lúa hè thu là đầu vụ nắng nóng, cuối vụ có mưa, dễ phát sinh bệnh đạo ôn. Do đó, cần theo dõi, phát hiện sớm để phòng ngừa. Ngoài ra, thống kê cho thấy, trên cùng một tiểu vùng, nếu ruộng nào xuống giống trễ hơn 30 ngày so với những ruộng khác, khá năng bị muỗi hành (sâu năn) tấn công nhiều hơn.

Đặc điểm của muỗi hành là rất khó xác định thời gian nở trứng. Ấu trùng sau khi nở khoảng 6 giờ là đã chui trở vào thân cây, gây hại cho lúa (ấu trùng cuốn lá lúa lại như cọng hành, khiến lúa bị nghẹn, không phát triển được nên gọi là muỗi hành). Nông dân rất khó xác định được thời điểm sâu năn nở để phòng trừ, chỉ cần phun thuốc sai thời điểm là không phát huy hiệu quả. Do vậy, trên cùng một tiểu vùng, nên xuống giống đồng loạt, không để nhiều trà lúa đan xen nhau nhằm hạn chế dịch hại.

Bên cạnh những biện pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững (kỹ thuật IPM, IPHM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, trồng hoa trên bờ ruộng), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang lưu ý nông dân áp dụng triệt để biện pháp sạ thưa (dưới 100kg/ha), bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm), áp dụng biện pháp tưới nước “ngập khô xen kẽ” trên đồng ruộng…

Đồng thời, khuyến cáo nông dân thay thế một phần phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, tăng khả năng đề kháng của cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết. Bên cạnh đó, cần áp dụng bón lót phân lân; bón phân đợt 1 sớm (từ 7 - 10 ngày sau sạ), tăng cường bón phân lân và kali để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạ phèn...

TS Phạm Kim Sơn (Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, với sự phát triển của nhiều loại dịch hại, nếu lạm dụng phun thuốc BVTV không đúng thời điểm thì vừa không hiệu quả, vừa gây kháng thuốc. Bên cạnh tuân thủ nguyên tắc phun thuốc “4 đúng”, nông dân cần áp dụng trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, giữ cân bằng hệ sinh thái; sử dụng bẫy đèn, bẫy sinh học để phòng trừ hiệu quả..

 

NGÔ CHUẨN