Nội dung trọng tâm trước hết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT. Tham mưu UBND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kế hoạch triển khai, thực hiện Kết luận 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương. Rà soát và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương và định hướng phát triển GD&ĐT theo từng năm và giai đoạn.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số (DTTS), người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là những đối tượng yếu thế trong xã hội, đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận giáo dục. Cùng với đó, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi vào năm 2030. Triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1.
Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi
Một vấn đề quan trọng khác là rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật; điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường lẻ. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non; bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là tại các cơ sở tư thục. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Trước đó, trong kết luận về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ Chính trị đề nghị nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…
Đặc biệt, triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là đối với lớp 5, 9, 12. Rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018; đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổ chức tốt các kỳ thi, hội thi diễn ra trong năm học, có giải pháp tích cực tham gia các kỳ thi cấp quốc gia năm 2025 đạt kết quả cao…
Cùng với đó, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo các môn học để tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tuyển dụng đủ biên chế giáo viên được giao và có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường hợp chưa tuyển dụng giáo viên theo định mức, thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo tinh thần Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” nhằm duy trì chất lượng giáo dục và phù hợp thực tiễn địa phương.
Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục theo Chuyên đề năm 2024 về “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân” và chuyên đề năm 2025 của tỉnh trong các cơ sở giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo… Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Năm 2025 là năm đầu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì cùng với các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh”.
|
HỮU HUYNH