Tập trung phục hồi kinh tế sau dịch bệnh

01/08/2022 - 08:03

 - Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát là cơ hội để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Qua đó, tạo đà tăng tốc cho cả giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân từ 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 72,2 triệu đồng/người.

Quyết tâm tăng trưởng

Giai đoạn 2021-2025, An Giang đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) với nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,5 đến hơn 72,2 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt gần 5,29 tỷ USD; thu ngân sách từ kinh tế 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%/năm; lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đến năm 2025 đạt 73%; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được giao từ đầu năm gắn với đảm bảo chất lượng công trình.

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 của tỉnh gặp khó khi ngay năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh (SXKD), lưu thông hàng hóa. Nhờ kịp thời triển khai các hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, KTXH của tỉnh có sự phục hồi từ cuối năm 2021, đặc biệt là đầu năm 2022 đến nay. Đây là động lực để tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi KTXH từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, đối tượng, thời gian hỗ trợ; thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và đảm bảo tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động SXKD, trong đó khuyến khích trao quyền tự chủ cho đơn vị SXKD doanh áp dụng linh hoạt và triển khai các mô hình sản xuất phù hợp của đơn vị trong điều kiện thực tế. Đồng thời, chịu trách nhiệm về các yêu cầu kiểm soát an toàn phòng, chống dịch và có phương án, kịch bản ứng phó tình trạng khẩn cấp theo quy định.

Để phục hồi kinh tế, tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng trang thương mại điện tử; tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất; triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, kết nối chuỗi giá trị vùng và nguyên liệu; kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, các DN, thương nhân trong và ngoài tỉnh thông qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp, hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, hộ kinh doanh…

Phục hồi trên nhiều lĩnh vực

Một trong những lĩnh vực ưu tiên phục hồi của tỉnh là phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng trồng, vùng nuôi để phát triển sản xuất vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến sâu, tập trung liên kết tiêu thụ nông sản gắn với quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với HTX, tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi các DN khác tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rau, màu trên địa bàn tỉnh An Giang; tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2025.

Nhằm phục hồi kinh tế, An Giang nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế biến, chế tạo… trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên, vật liệu có lợi thế tại địa phương. Tỉnh chủ động hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu và đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống.

Một trong những ưu tiên trọng tâm của tỉnh là mở cửa du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật phù hợp với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm trong khu vực và các tỉnh, thành phố khác nhằm quảng bá điểm đến và xây dựng các tour du lịch có tính kết nối cao; nâng cao chất lượng phục vụ, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý và phục vụ du khách.

Nhằm tạo động lực thúc đẩy KTXH phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm các năm 2022 - 2023 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ đầu tư. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và các năm tiếp theo, gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

 

 

NGÔ CHUẨN