Trang trí hoa ngày Tết là việc không thể thiếu ở mỗi gia đình
Tết Nguyên đán của người Việt Nam là nét đẹp văn hóa truyền thống. Những ngày Tết là thời gian để mỗi người tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, hướng về tình cảm gia đình, dòng họ, tình làng nghĩa xóm. Với mỗi người dân Việt Nam, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên, gặp gỡ chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, nên ai nấy đều cố gắng hoàn thành công việc vào những ngày cuối của năm cũ, để thời gian sum họp gia đình đầu năm mới được trọn vẹn. Sum vầy vào dịp Tết Nguyên đán không chỉ là sự mong đợi của riêng những bậc sinh thành, mà đó còn là nỗi niềm của những người con sống xa gia đình, xa quê hương luôn đau đáu hướng về.
Rời quê nhà thuộc tỉnh Thanh Hóa vào An Giang lập nghiệp gần 20 năm, anh Đặng Minh Triều (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Những năm đầu vào miền Nam lập nghiệp, kinh tế chưa ổn định, nên vài năm tôi mới về quê một lần. 8 năm gần đây, đời sống ổn định hơn nên mỗi năm tôi đều đưa vợ, con về quê vào dịp Tết để thăm bố mẹ, họ hàng. Đối với tôi, được quây quần cùng bố mẹ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói bánh chưng là ấm cúng nhất”.
Với mong muốn năm mới an lành, may mắn, trong những ngày Tết, mỗi người đều cẩn trọng, ý tứ trong từng lời nói, hành vi, hướng tới sự may mắn, tốt đẹp, bởi ai nấy đều tin rằng sự khởi đầu vui tươi, lành mạnh trong những ngày Tết sẽ giúp năm mới thuận lợi, hanh thông. Từ niềm tin ấy, mỗi gia đình đều cố gắng chăm chút, chuẩn bị tinh tươm, bày biện chỉn chu trong từng vật phẩm trang trí Tết, mỗi món ăn dâng cúng tổ tiên. Tùy theo vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán, Tết cổ truyền ở từng địa phương trong cả nước cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia thành 3 khoảng thời gian tất niên, giao thừa, tân niên và mọi hoạt động đón Tết cũng theo đó diễn ra.
Ngày nay, Tết Nguyên đán ít nhiều có những biến đổi phù hợp với lối sống và sự phát triển của xã hội. Nếu Tết xưa mang đậm nét văn hóa truyền thống, thì Tết nay mang nét hiện đại, tiện lợi và có thêm nhiều hình thức giải trí mới. Tuy nhiên, ý nghĩa cốt lõi của ngày Tết là hướng đến sự đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và hy vọng vào một khởi đầu tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ. Nhịp điệu cuộc sống thời nay gấp gáp, khác với sự chậm rãi của những tháng năm xưa. Nếu việc mua sắm, chuẩn bị Tết xưa được gắn liền với những khu chợ truyền thống thì Tết nay chú trọng sự tiện lợi, nhanh chóng, đa phần các hoạt động mua sắm được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử, cửa hàng online có dịch vụ chuyển đến tận nhà. Các loại bánh truyền thống đón Tết cũng được đặt làm hoặc mua về để tiết kiệm thời gian, giúp những người bà, người mẹ không cần phải tỉ mẩn chuẩn bị từng chút một như trước. Dẫu vậy, trong mỗi nhà, vẫn không thể thiếu được cành mai, cành đào, bánh mứt mang hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Một trong những điểm khác biệt lớn giữa Tết xưa và Tết nay là hoạt động du Xuân ngày đầu năm. Ngày trước, hoạt động du Xuân ngày Tết thường là đến chơi, thăm nhà người thân, họ hàng hay đi viếng chùa cầu may mắn, bình an. Ngày nay, tận dụng những ngày Tết, nhiều gia đình chọn du Xuân ở những nơi xa thông qua những chuyến du lịch trải nghiệm, thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm công tác, lao động vất vả.
Anh Nguyễn Thiện Tường (ngụ huyện Châu Phú) đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Công việc của vợ chồng tôi khá bận rộn, mỗi năm chỉ về quê được vài lần thăm cha mẹ, thời gian đưa cha mẹ đi đó đây gần như không có. Vì vậy chúng tôi tận dụng những ngày nghỉ Tết để có những chuyến du lịch cùng nhau. 2 năm gần đây, sau khi đón giao thừa là cả nhà bắt đầu chuyến đi của mình. Thay vì sum vầy ăn Tết tại nhà, chúng tôi cũng ở bên nhau ăn Tết nhưng kết hợp du lịch ở một nơi khác. Cha mẹ tôi cũng rất vui khi được du lịch cùng con cái vào những ngày Tết. Năm nay, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch, sẵn sàng cho chuyến du Xuân của gia đình”.
Thời điểm này, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Những chuyến tàu, xe bắt đầu đông đúc, những người bôn ba xa xứ tấp nập trở về. Dù có vất vả, khoảng cách xa xôi, dù ra Bắc hay vào Nam nhưng có lẽ tất cả đều hân hoan, chỉ cần về kịp bữa cơm chiều cuối năm, kể nhau nghe những niềm vui, nỗi buồn sau những ngày xa cách. Cũng có người đang chuẩn bị cho những chuyến du lịch ngày Xuân để “làm mới” bản thân. Dù với hình thức trải nghiệm nào, chỉ cần có người thân ở cạnh, chia sẻ những vui, buồn sau một năm đã qua là ngày Tết trọn vẹn, bình yên.
MỸ LINH