Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi

31/08/2024 - 15:18

Ghi nhận thực tế tại Trạm Y tế phường 6, quận 8, trong số trẻ đến tiêm vaccine sởi sáng 31/8 có nhiều trẻ dù đã 4-5 tuổi nhưng chưa tiêm mũi vaccine phòng sởi nào hoặc mới chỉ tiêm được một mũi.

Nhân viên trạm Y tế Phường 6, Quận 8 tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nhân viên trạm Y tế Phường 6, Quận 8 tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sáng 31/8, toàn bộ trạm y tế xã, phường thuộc 22 quận, huyện, thành phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho các đối tượng chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi đang sinh sống, làm việc tại thành phố. Chiến dịch dự kiến kết thúc vào ngày 31/10/2024.

Từ sáng sớm, nhiều người dân phường An Lạc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa con đến trạm y tế phường để tiêm vaccine sởi.

Chị Võ Hồng An (37 tuổi, tạm trú trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, ngày 30/8, tổ trưởng khu phố đã gửi giấy mời nên chị đưa con gái 15 tháng tuổi đến tiêm vaccine sởi. Đây là mũi vaccine sởi đầu tiên bé gái con chị An được tiêm. Lý giải nguyên nhân, chị An cho biết, do cả hai vợ chồng là công nhân trong khu công nghiệp nên rất bận, dẫn đến quên việc tiêm chủng cho con.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân cho biết, sáng 31/8, 10 trạm y tế trên địa bàn quận đều đồng loạt triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi.

Mỗi buổi, các trạm y tế sẽ mời tiêm khoảng 30-60 bé và tiêm xuyên suốt trong thời gian nghỉ lễ. Qua rà soát, toàn quận hiện có khoảng 3.000 trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi.

Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm Y tế phường An Lạc, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vaccine sởi của trẻ sinh năm 2019 đến 2022 trên địa bàn chưa đạt 95%. Đặc biệt, những địa bàn khu vực vùng ven có số ca mắc sởi cao nhưng tỷ lệ tiêm chủng lại thấp.

Ngoài ra, còn có gần 20% trẻ cư trú trên địa bàn Thành phố nhưng có địa chỉ ở tỉnh khác nên các trạm y tế không biết để mời tiêm. Do đó, Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi lần này sẽ triển khai đồng bộ tại tất cả các địa bàn.

ttxvn_chien_dich_tiem_vaccine_phong_soi_3108-1.jpg

Người dân phường An Lạc, quận Bình Tân đưa trẻ đến trạm y tế phường tiêm vaccine phòng sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương rà soát, mời tiêm tất cả trẻ trong độ tuổi quy định nhưng chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine đang sinh sống trên địa bàn, không phân biệt trẻ có địa chỉ Thành phố hay địa chỉ ở tỉnh khác. Việc bao phủ vaccine sẽ giúp hạn chế số ca mắc, ca tử vong do bệnh sởi,” Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố chia sẻ.

Ghi nhận thực tế tại Trạm Y tế phường 6, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, trong số trẻ đến tiêm vaccine sởi sáng 31/8 có nhiều trẻ dù đã 4-5 tuổi nhưng chưa tiêm mũi vaccine phòng sởi nào hoặc mới chỉ tiêm được một mũi.

Đưa cháu trai Lê Anh Đức (gần 5 tuổi) đến trạm y tế để tiêm chủng, bà Trần Thị Thơ cho biết, hôm qua, trường mầm non nơi cháu theo học thông báo cháu chưa tiêm mũi vaccine nào và đề nghị gia đình đưa cháu đi tiêm vaccine sởi trước khi bước vào năm học mới.

"Lúc cháu đủ tuổi tiêm chủng thì gặp dịch COVID-19 nên gia đình không đưa đi tiêm được, sau đó mải công việc làm ăn quá nên cũng quên, đến khi nhà trường thông báo, mới biết cháu chưa tiêm mũi sởi nào," bà Thơ giải thích.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Chiến dịch tiêm vaccine sởi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh trên địa bàn. Vaccine sử dụng trong Chiến dịch là vaccine phối hợp phòng bệnh Sởi-Rubella (MR) được mua từ nguồn ngân sách Thành phố và nguồn vaccine do Bộ Y tế cấp.

Người được tiêm là những trường hợp chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thành phố.

Chiến dịch diễn ra từ 31/8-31/10/2024, gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 31/8 đến 30/9, tiêm cho trẻ từ trẻ từ 1-5 tuổi; trẻ từ 6-16 tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao đang được được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn ; nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi; người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao. Giai đoạn 2 diễn ra từ 1/10 đến 31/10, tiêm cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi.

Đối với các trẻ đang đi học và đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở... sẽ được tiêm tại các cơ sở này. Đối với trẻ không đi học và những trẻ chưa được tiêm tại trường học sẽ ra tiêm tại trạm y tế.

Trong trường hợp trẻ được chỉ định tiêm tại bệnh viện, sẽ đến các bệnh viện có tổ chức tiêm chủng. Đối với các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, nhân viên y tế sẽ được tiêm tại bệnh viện nơi điều trị, công tác./.

Theo TTXVN/Vietnam+