Bỏ “hào sảng” trong phân, thuốc
Hiện nay, đi bất cứ đâu cũng nghe nông dân than thở về cái khó của sản xuất nông nghiệp. Đó là tình hình giá cả phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi đầu ra sản phẩm lại ách tắc, cần “giải cứu” hết lần này đến lần khác. Ông Vũ Minh Trang (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đề nghị: “Nhà nước nên nghiên cứu có chủ trương, giải pháp để giá cả đầu vào cho nông dân nhẹ hơn; sản phẩm được tiêu thụ trôi chảy. Còn hiện giờ, nông dân canh tác rất khổ cực, mà hiệu quả gần như “bằng 0”. Vòng lẩn quẩn này cứ lặp lại mãi”.
Tương tự, ông Phó Văn Nghệ (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cảm khái: “Chúng tôi là những người trồng lúa 1 năm 3 vụ. Lúc trước, chi phí phân bón chỉ 1,4 triệu đồng/công tầm cắt, bán giá lúa trên 6.000 đồng/kg. Giờ, mỗi công đầu tư 2 triệu đồng tiền phân bón, còn giá lúa cứ đứng chựng hoặc hạ thấp. Không phải chúng tôi kêu ca vì muốn được phần mình, mà cho phần đông nông dân đang “chết đứng”. Hoặc nhà nước cần tiếp tục khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, vì hiện nay chưa ai mặn mà”.
Trong những lần tiếp xúc cử tri tại An Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) thường xuyên chia sẻ về các vướng mắc này, để tháo gỡ tâm lý cho bà con. Thực tế cho thấy, giá phân bón tăng phi mã, có loại tăng đến 250%. Giá phân bón tăng do đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nguồn cung, quá trình vận chuyển logistics. Hiểu rõ nỗi lo của bà con, nhà nước đang cố gắng tìm giải pháp điều chỉnh, ổn định giá mặt hàng này.
Nhưng điều ông Lương Quốc Đoàn trăn trở nhất là, hiện nay, nông dân đang sử dụng phân bón rất lãng phí (khoảng 35-40%), quá nhu cầu cần thiết của cây trồng. Trước năm 2018, cả nước nhập khẩu 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2020-2021, nông dân đẩy mạnh sử dụng thuốc sinh học, số liệu trên giảm còn dưới 70.000 tấn/năm, vẫn là con số rất lớn. Nhà sản xuất quy định chỉ cần 7-8ml/bình xịt, nông dân lại “hào sảng” cho thêm “một ít” nữa để hiệu quả chắc chắn, mà không lường trước rằng cách làm này vừa tốn kém, vừa nguy hại đến sản phẩm.
“Tư duy “tăng một chút phân bón, một chút thuốc bảo vệ thực vật” gây lãng phí rất lớn. Nếu giảm bớt hoạt động này, tương đương với việc tiết kiệm 35-40% chi phí bỏ ra cho phân bón. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, vận động nông dân bỏ thói quen không tốt này. Thay vì bỏ tiền ra mua phân bón, nông dân nên tích cực sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ một cách đơn giản. Có như thế, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán giảm giá đầu vào cho nông nghiệp, tăng chất lượng sản phẩm đầu ra” - ông Lương Quốc Đoàn chia sẻ.
Cập nhật tư duy kinh tế nông nghiệp
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, theo chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ với nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp tăng cao trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy.
“Muốn tăng năng suất nông nghiệp, cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Nhiều quốc gia trên thế giới, họ coi nông nghiệp là một nghề được huấn luyện và đào tạo. Việt Nam đang đẩy mạnh Chương trình khuyến nông quốc gia, để tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận biết thị trường, điều kiện để canh tác đúng chuẩn, chiến lược phát triển cho nông dân” - ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Tiếp nối nhận định này, sau khi nghe ý kiến đề xuất của cử tri, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu không có nền nông nghiệp ổn định, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho nhân dân, chúng ta sẽ không biết dựa vào đâu, khi tất cả đều ngưng trệ. Thế mạnh đó cần được phát huy, theo hướng tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo đời sống người dân, vừa đảm bảo an ninh lương thực. An Giang cần có chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, mời chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học... ngồi lại tính bài toán sản xuất mấy vụ, sản xuất giống cây gì, liên kết thế nào, bao tiêu ra sao. Để giảm giá thành đầu vào, ngoài nỗ lực của nhà nước, còn phụ thuộc kỹ thuật, phương pháp canh tác, tiết kiệm của nông dân…”.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, để thích ứng và phát triển. Thay đổi để nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng được chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Thay đổi để nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương, mà chẳng cần “trông nhiều bề”!
“Mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 28-30 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,5 triệu tấn, còn lại sử dụng và chế biến. Duy trì diện tích trồng lúa, chỉ chuyển đổi một phần sang trồng các loại cây khác, nhưng không làm mất đi sinh hóa của chất đất khi chuyển lại trồng lúa. Do đó, cử tri hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực. Chúng ta đảm bảo cho lương thực trong nước và hoàn thành trách nhiệm với quốc tế”- ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
|
GIA KHÁNH