Trong giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nông dân. Do đó, nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong mọi hoạt động, phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ sự đổi mới trong tư duy và cách làm của những chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Song song đó, đã có nhiều nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học, cơ giới hóa vào đồng ruộng, như: Máy gặt đập liên hợp, máy đánh rãnh thoát nước, máy bay không người lái phun thuốc, máy sạ hàng, ứng dụng hệ thống tưới tự động điều khiển qua điện thoại hoặc sử dụng pin năng lượng mặt trời vào sản xuất... Qua đó, góp phần giảm lao động thủ công tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã đã được thành lập, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn với thương hiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Nông dân Lê Minh Toàn (xã Bình Thủy) nhận thấy, phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhu cầu cây giống là rất cần thiết. Việc người dân tự ươm cây giống theo phương pháp thủ công mất nhiều thời gian, tốn kém nhân công lao động, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và tiến độ thực hiện. Do đó, anh Toàn đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình “Ươm cây giống phục vụ sản xuất chuyên canh rau màu” áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Từ đó, sản phẩm tạo ra đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn, sạch bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nên tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.
Hay nông dân Lê Bạch Tuyết Loan (xã Bình Mỹ) đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa và 2 công đất vườn tạp sang trồng bưởi da xanh ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu vào cho canh tác. Sau thời gian chăm sóc, vườn dừa và bưởi da xanh của bà Loan đã cho trái rất tốt và thu hoạch được nhiều năm, lợi nhuận sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
“Vườn bưởi da xanh đã thu hoạch nhiều vụ với tổng thu nhập hàng năm gần 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lời khoảng 35 triệu đồng. Ngoài ra, vườn dừa 500 gốc cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, vụ tiếp theo đang cho trái, ước tính sẽ tiếp tục bội thu, có thương lái đến đặt mua định kỳ nên tôi rất an tâm” - bà Loan chia sẻ.
Còn nông dân Trần Chinh (xã Bình Chánh), từ chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng từ năm 2015. Do thấy được hiệu quả cây sầu riêng cao hơn so với các loại cây trồng khác, anh Chinh đã vận động nhiều hộ dân cùng nhau trồng cây sầu riêng. Trong quá trình trồng cây sầu riêng, anh Chinh nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp, như: Hỗ trợ mở lớp kỹ thuật trồng cây sầu riêng, cho vay vốn để chăm sóc từ nhiều nguồn, thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng, thành lập hợp tác xã, xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sầu riêng Bình Chánh…
Anh Chinh cho biết: “Với diện tích trồng ban đầu là 3.000m2, đến năm 2019 trồng thêm 4.000m2 và năm 2023 trồng thêm 23.000m2, đến nay tổng diện tích hiện trồng là 3ha sầu riêng. Năng suất sầu riêng qua các năm luôn ổn định ở mức 2 - 2,5 tấn/1.000m2, giá bán qua các năm có xu hướng tăng. Riêng năm 2023 với diện tích 7.000m2, tôi đã thu hoạch được 14 tấn, với giá bán trung bình 80.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 1,12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 857 triệu đồng”.
Có thể nói, để bắt kịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông dân phải thay đổi tư duy canh tác truyền thống sang chuyên nghiệp hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn vào sản xuất, thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi cũ trước đây. Đặc biệt, phải đặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp lên hàng đầu và cùng nhau liên kết sản xuất để tăng giá trị, ổn định đầu ra sản phẩm.
Đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là cơ sở thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
TRỌNG TÍN