Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc

15/07/2021 - 08:44

Bên lề Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14-7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Du khách quốc tế vui chơi tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN

Theo Thứ trưởng: Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị đề án, làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Ngoại giao, Y tế, UBND tỉnh Kiên Giang; phấn đấu trước ngày 20-7, tổng hợp được toàn bộ ý kiến đánh giá. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp thành đề án, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến cuối cùng, đó cũng là cơ sở để chúng ta thí điểm đón khách quốc tế ở Phú Quốc (Kiên Giang).

Phú Quốc được chọn làm thí điểm vì đây là điểm du lịch hấp dẫn, "đảo ngọc" trong du lịch biển của Việt Nam. Nơi đây cũng có đầy đủ cơ sở tầng, lưu trú, địa điểm tham quan, hơn nữa cộng đồng dân cư ít, khoảng 100.000 dân, tách biệt với đất liền, giao thông tốt...

Trong đề án cũng đề cập cụ thể đến việc đón khách, đảm bảo an ninh trật tự, nhập cảnh, xử lý tình huống liên quan đến dịch COVID-19 (nếu có), tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 70% người dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các bộ, ngành liên quan cần tập trung thực hiện cùng Bộ để tổ chức hoạt động thí điểm mang ý nghĩa quan trọng, kích thích du lịch phát triển, trong đó đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam.

Với đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra mục tiêu kích hoạt lại hoạt động du lịch vốn là lĩnh vực nhạy cảm, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh đối với khách quốc tế, nhất là các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Á và trong khu vực...

Quảng Nam cũng đề xuất, sau khi thí điểm đón khách quốc tế ở Phú Quốc thì cho phép Quảng Nam thực hiện bởi địa phương đã chuẩn bị các phương án về cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch, đón khách du lịch quốc tế bằng các chuyến bay chatter...

Theo dự thảo Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc: Trong giai đoạn đầu, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế theo nội dung kế hoạch. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai thí điểm sẽ xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi theo lộ trình.


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn thí điểm (có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số khu vực như Đông Bắc Á, Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông...). Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.

Trong giai đoạn 1 (từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 3), thí điểm đón từ 2.000-3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế.

Giai đoạn 2 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), sau khi đánh giá giai đoạn 1 triển khai thí điểm, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000 - 10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại, mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng chia sẻ: Ngày 1-7-2021 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thì lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 2 đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp. Đó là các chức danh nghề nghiệp nghệ sỹ hạng IV, hai là các hướng dẫn viên du lịch – những người bị ảnh hưởng, thiệt thòi nhiều nhất trong ngành văn hóa, thể thao du lịch.

Nghệ sỹ hạng IV không có đất diễn, không có cơ hội lên sân khấu, thu nhập thời gian qua không có trong khi đó điều kiện sinh sống khó khăn, thu nhập thấp theo số lượng thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không nhiều, khoảng hơn 2000 người. Hướng dẫn viên du lịch nội địa, quốc tế ở các công ty lữ hành, điểm du lịch cụ thể ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là gần 27.000 người.

Có thể nói, chính sách hỗ trợ người lao động này đã góp phần tạo ra động lực, động viên rất lớn cho các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo THANH GIANG (TTXVN)