Thoại Sơn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

12/04/2024 - 08:14

 - Huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) tiếp tục tích cực vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân Thoại Sơn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương

Hiệu quả của việc chuyển đổi

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Quyết định 1994/QĐ-UBND, ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh, năm 2023, huyện Thoại Sơn tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi được trên 248ha. Trong đó, chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được trên 119ha; chuyển đổi sang rau màu đạt hơn 129ha, chủ yếu: Bắp, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, các loại đậu và rau ăn lá các loại… Ngoài ra, các mô hình vườn cây kết hợp phục vụ du lịch thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trải nghiệm…

Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật thiết kế và trồng cây ăn trái, cấp mã số vùng trồng... cho nông dân. Bên canh đó, ngành khuyến nông tổ chức thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản để nông dân tiếp cận. Điển hình như các mô hình: Nuôi gà trên nệm lót sinh học, nuôi lươn không bùn, sản suất theo hướng SRP, ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi heo thịt, nuôi thỏ an toàn sinh học…

Theo đánh giá của UBND huyện Thoại Sơn, việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân. Đồng thời, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Mặt khác, thông qua việc chuyển giao khoa học - công nghệ đã giúp trình độ sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao.

Điển hình như ông Phạm Quốc Tuấn (xã Vĩnh Chánh) kết hợp các hộ dân cải tạo 2ha đất trồng lúa sang trồng rau màu và dẫn dụ cá tự nhiên. Với các loại rau màu được trồng, như: Dưa leo, khổ qua, bí đao, đu đủ. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên cây màu sinh trưởng nhanh, năng xuất cao, từ 3 - 3,5 tấn trên 1.000m2/vụ. Sau khi trừ chi phí, ông Tuấn thu về lợi nhuận từ 18 - 20 triệu đồng/công.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện Thoại Sơn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Nguyên nhân chủ yếu do trên địa bàn huyện chưa có nhiều nhà máy chế biến, các vựa thu mua nông sản và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn. Mặt khác, hoạt động của các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thu nợ, nợ đầu tư trạm bơm điện, kinh phí nạo vét các công trình nhỏ phục vụ cho chuyển đổi.

Ngoài ra, do chưa có dự báo về nhu cầu của thị trường về sản lượng, chủng loại, giá cả và khả năng tiêu thụ trong nước và thế giới nên nông dân khó chấp thuận chủ trương chuyển đổi cây trồng. Điều này gây khó khăn trong công tác quy hoạch và lập kế hoạch vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, máy móc phục vụ cho các cây trồng được chuyển đổi có giá cao, tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch khi thực hiện trên diện tích lớn đang xảy ra…

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, năm 2024, huyện Thoại Sơn sẽ vận động chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái với diện tích 95ha. Trong đó, rau, màu 70 ha; cây ăn trái 25ha, nâng tổng số diện tích cây ăn trái toàn huyện 1.000ha, đạt 100% kế hoạch so nhiệm kỳ.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Thoại Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mở các lớp tập huấn, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất…

UBND huyện yêu cầu các đơn vị hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh. Cùng với đó, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, UBND huyện Thoại Sơn còn yêu cầu đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cây giống. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức liên kết sản xuất, khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác sơ chế, chế biến, gia công sản phẩm... để nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng hàng hóa nông sản chế biến bằng công nghệ mới…

ĐỨC TOÀN