Thu nhập từ cây trồng xen canh

02/11/2020 - 06:26

 - Trong quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp như: vườn tạp, lúa, nếp sang phát triển các loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, để tận dụng diện tích đất vườn, nhiều nông dân ở huyện Phú Tân (An Giang) chọn các loại cây ngắn ngày để có thêm thu nhập. Tuy là cây trồng phụ nhưng nguồn thu đem lại ở nhiều hộ gia đình có thể lên đến chục triệu đồng, giúp trang trải sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất dài lâu.

Nhiều nông hộ tăng thu nhập nhờ cây trồng xen canh

Mùa này, ngày nào anh Đặng Văn Nhiển (ngụ ở xã Phú Lâm) cũng bận rộn với việc thu hoạch ấu. Chỉ vỏn vẹn gần 1 công mặt nước, phía trên anh trồng ấu, dưới thả nuôi các loại cá tạp, mỗi đợt kiếm được hơn 10 triệu đồng. Anh Nhiển cho biết, ngày trước gia đình làm lúa, sau thời gian tìm hiểu để chuyển đổi cây trồng, anh đầu tư phát triển dần nhiều loại, như: vú sữa hoàng kim, na Thái, mít Thái…

Giai đoạn đầu, mít Thái là nguồn thu nhập chính, phụ theo là ấu, cà na. Cứ 10 ngày, mít bán ra được hơn 3 triệu đồng, còn ấu hái được 3 lứa/vụ, mùa nắng có thể lên 5 lứa, năng suất hơn 1 tấn. Hầu như không phải tốn công chăm sóc, chỉ bỏ ít chi phí phân bón và thuốc dưỡng, từng bước thử nghiệm và lấy cây này “nuôi” cây khác. 5,5 công na Thái xen vú sữa hoàng kim đóng vai trò chủ lực đã phát triển hơn 1 năm, bắt đầu cho trái và đánh giá chất lượng rất triển vọng.

Anh Nhiển chia sẻ, bản thân rất thích tìm hiểu và trồng các giống cây mới lạ, bởi càng ít “đụng hàng” càng dễ bán, giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Hầu hết các giống cây ăn trái được đầu tư phải mất từ 2 năm trở lên mới cho thu hoạch. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi, các loại cây xen canh giúp gia đình anh có thu nhập, giảm phần nào chi phí đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Lộc (ngụ ở xã Phú Thạnh) hiện có mảnh vườn 1,5 công nhưng được nhiều người chú ý bởi đa số chỉ trồng các loại “trái cây ngoại”. Mong muốn tạo ra giá trị kinh tế cao hơn trên diện tích đất, ông đã tìm hiểu, lần lượt trồng lựu Ai Cập, cam Cara ruột đỏ, na Thái, xen vào đó là dâu tằm, ổi… Vừa chăm sóc, vừa rút kinh nghiệm, dâu tằm và ổi cho thu hoạch sớm nhất, kế đến là na Thái giúp ông có nguồn thu hàng ngày. Số cây lựu cũng thích nghi khá tốt, trái rất sai, được ông chiết giống bán với giá 100.000-200.000 đồng/cây.

Ông Lộc cho biết, chỉ có cách thử nghiệm trồng mới có đánh giá chính xác giống cây trồng tiềm năng và xen canh nhiều loại cùng lúc là cách thiết thực, nếu cây sớm thích nghi thì có thể “đẻ” ra tiền ngay lập tức. Nhờ vốn kinh nghiệm dày dặn từng công tác trong ngành nông nghiệp nên vườn cây ăn trái của ông Lộc hiện phát triển tươi tốt, không phụ thuộc phân thuốc nhiều, ra trái vụ đầu và có nguồn thu liên tục. Với những cây khỏe được chọn chiết giống, ông chăm sóc ít nhất 1 năm mới bán, cam kết khi đến tay nông dân sẽ phát triển như ý muốn, không phải tốn thời gian chăm sóc để thuần theo thời tiết, thổ nhưỡng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Vút ở xã Long Hòa sau vài năm phát triển vườn cây ăn trái trên nền đất trồng lúa, hiện “bỏ túi” hàng tháng khoảng 50 triệu đồng từ rất nhiều nguồn. Ông Vút sở hữu 18 công đất trồng chanh bông tím không hạt, khi chanh chưa phát tán nhiều, ông xen canh ổi Đài Loan, ngò gai, chuối... luân phiên thu hoạch các loại để bán cho thương lái.

Các loại cây trồng được chăm sóc để hỗ trợ nhau phát triển, như: ngò gai hạn chế cỏ mọc, giữ độ ẩm, ổi sẽ tạo bóng mát cho các loại rau nhỏ bên dưới, khi đủ thời gian thì bỏ ổi để nhường không gian cho chanh không hạt phát triển tán tối đa. Nhờ việc tận dụng không bỏ trống phần đất nào, cây trồng của ông ít sâu bệnh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền thông tin, trước đây xã chỉ có 17ha đất nông nghiệp trồng cây ăn trái, đến nay đã phát triển lên 40ha, cây chủ lực là chanh, bưởi, xoài và số ít cà na, chuối, ổi, tre lấy măng… Những diện tích mới phát triển đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tăng gấp 4 lần so với mô hình kém hiệu quả trước đó. Phần lớn cây ăn trái lâu năm nên trong thời gian đầu, nông dân đều tận dụng cây ngắn ngày để có thu nhập.

Việc chuyển đổi cây trồng hàng năm vẫn được huyện Phú Tân khuyến khích người dân mở rộng diện tích ở các vùng trồng theo quy hoạch. Để không cản trở đến quá trình phát triển của cây ăn trái chủ lực, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn khuyến khích người dân lựa chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao, xen canh cây trồng ngắn ngày theo hình thức phù hợp để nâng cao thu nhập và hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng.

MỸ HẠNH