Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng đánh giá thế nào về quan hệ New Zealand - Việt Nam sau 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao? Trong thời gian tới, hai nước cần làm gì để củng cố và tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện, thưa bà?
Mối quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. New Zealand là một đối tác tự nhiên của Việt Nam với những thế mạnh nổi tiếng thế giới về đổi mới, đặc biệt trong những lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục quốc tế. Thương mại song phương cũng gia tăng đáng kể. Riêng trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng hơn 1/3.
Mối liên kết giữa hai nước thông qua giáo dục và du lịch cũng phát triển ngày càng nhanh. Việc đưa vào vận hành đường bay trực tiếp theo mùa của hãng Hàng không Air New Zealand giữa Thành phố Auckland và Thanh phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân cả Việt Nam và New Zealand được trải nghiệm và khám phá hai nước. Chúng tôi biết rằng còn tiềm năng to lớn để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước và đây là những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi sẽ thảo luận - khai thác tiềm năng mối quan hệ song phương.
Theo bà, quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam có ý nghĩa, tác động như thế nào đến các cơ chế, diễn đàn quốc tế về hợp tác kinh tế mà hai nước cùng tham gia như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Việc tôi sang tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi trên cương vị Thủ tướng, nên chúng tôi chia sẻ nhiều ý tưởng. Tăng trưởng hòa nhập là một trong những chủ đề quan trọng mà chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong suốt cả năm Việt Nam làm Chủ tịch APEC và đây vẫn là một vấn đề quan trọng đối với khu vực của chúng ta.
Cả hai nước đều hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và APEC. Việt Nam và New Zealand cũng là những đối tác trong các thỏa thuận tự do thương mại như Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và CPTPP được ký ngày 8-3 này.
Các tổ chức và thỏa thuận này rất quan trọng để đảm bảo sự thịnh vượng không ngừng của khu vực, chủ yếu vì chúng thể hiện sự cam kết chung của chúng ta đối với một khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở và liên kết với nhau. Cả New Zealand và Việt Nam đều công nhận tầm quan trọng của CPTPP trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực.
New Zealand có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực - lĩnh vực mà Việt Nam rất quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Theo bà, trong thời gian tới, New Zealand và Việt Nam có thể hợp tác về phát triển nguồn nhân lực như thế nào?
Giáo dục là một câu chuyện thành công thực sự trong mối quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam với ngày càng nhiều người Việt Nam tham gia các khóa giáo dục đẳng cấp thế giới ở New Zealand. New Zealand cũng đã và đang đầu tư cho các thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam bằng cách cung cấp 30 suất học bổng sau đại học mỗi năm, chương trình Đào tạo tiếng Anh cho các quan chức và nhiều cơ hội đào tạo ngắn hạn khác.
Có khá nhiều cơ hội cho hợp tác giáo dục hơn nữa giữa hai nước. Một số trường đại học New Zealand đã phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học Việt Nam, chẳng hạn như cung cấp các bằng đại học chung nhằm tạo sự linh hoạt hơn cho các sinh viên Việt Nam học tập ở cả New Zealand và Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ với nhiều người mong muốn được nâng cao trình độ giáo dục và kỹ năng. New Zealand có các cơ sở giáo dục giúp phục vụ khát vọng đó.
Trân trọng cảm ơn Thủ tướng!
Theo Báo Tin Tức