![Thúc đẩy đối ngoại, chắp cánh thành công](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250213/images/T12.jpg)
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng (bìa trái) tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak ALonnXay SounNaLat
Chủ động, hiệu quả
An Giang có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là địa phương đông dân nhất vùng ĐBSCL; có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, du lịch, công nghiệp... Đặc biệt, kinh tế cửa khẩu là thế mạnh rất lớn của tỉnh, với gần 100km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Vị trí địa lý này giúp An Giang có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và thương mại biên giới. Những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, công tác đối ngoại đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của An Giang. Tỉnh đã mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, thu hút đầu tư; quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng của mình trên trường quốc tế. Công tác đối ngoại giúp tỉnh tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến của thế giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Các hoạt động đối ngoại góp phần duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các tỉnh bạn Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; tạo tiền đề cho KTXH tỉnh phát triển. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư huy động nguồn nội lực lẫn ngoại lực cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của tỉnh” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Dựa trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 quốc gia Việt Nam - Lào, tỉnh An Giang đã thiết lập quan hệ hợp tác với Champasak (từ năm 2003) và Savannakhet (từ năm 2009). Những năm qua, sự hợp tác tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục và đào tạo. Tính từ năm 2007 đến nay, An Giang đào tạo 27 sinh viên Lào về trồng trọt, thủy sản, kỹ thuật môi trường và quản trị kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tỉnh bạn. Ngược lại, tỉnh Champasak cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của An Giang học tập tiếng Lào. Hợp tác kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 tỉnh giao lưu, đầu tư và mở rộng thị trường...
Thời gian qua, An Giang chú trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với 2 tỉnh láng giềng Takeo và Kandal (Campuchia). Sự hợp tác chặt chẽ góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTXH 2 nước. “An Giang và tỉnh Takeo, Kandal luôn duy trì, tăng cường hợp tác truyền thống ở nhiều lĩnh vực, như: Đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới, phân giới cắm mốc, thương mại, du lịch, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế... Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh An Giang thường xuyên vận động nhà hảo tâm, y, bác sĩ tình nguyện tổ chức đoàn sang khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân khó khăn tỉnh Takeo, Kandal. Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới ước đạt trên 2 tỷ USD” - đồng chí Hồ Văn Mừng thông tin thêm.
Đối ngoại linh hoạt, phát triển bền lâu
Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak ALonnXay SounNaLat cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của tỉnh An Giang thời gian qua. Đồng thời, khẳng định mối quan hệ giữa lãnh đạo, Nhân dân tỉnh Champasak và An Giang ngày càng bền chặt. Ông ALonnXay SounNaLat mong muốn Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ ở lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và giao thông vận tải; đặc biệt mời gọi doanh nghiệp tỉnh An Giang tìm hiểu, đầu tư vào Champasak.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kandal Srun Sreyneang bày tỏ: “Công tác bảo vệ an ninh tuyến biên giới được ổn định, việc hợp tác ở các lĩnh vực ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân 2 tỉnh”. Bà Srun Sreyneang mong muốn, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa 2 tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia mãi trường tồn.
“Chúng tôi mong An Giang - Takeo tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả; tập trung phát triển cửa khẩu biên giới, kinh tế biên giới của 2 tỉnh. Từ đó, đóng góp vào việc xây dựng đường biên giới chung Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Tin rằng, tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa tỉnh An Giang và tỉnh Takeo nói riêng đời đời bền vững” - Tỉnh trưởng tỉnh Takeo Vei Samnang nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, từ những kết quả đạt được, bên cạnh giải pháp phát huy nội lực, thời gian tới, các cấp, ngành tỉnh An Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Nhất là, tranh thủ tối đa điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút nguồn ngoại lực; thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, củng cố quốc phòng - an ninh.
THU THẢO