Tiết kiệm chi để “sống chung” với dịch bệnh Covid-19

05/05/2020 - 05:10

 - Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN) và tác động đời sống người dân, mà nguồn thu ngân sách cũng bị sụt giảm. Tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm những khoản chi không cần thiết là giải pháp lâu dài để “sống chung” với đại dịch này.

Vừa tiết kiệm, vừa thúc đẩy kinh tế

Theo đánh giá của Sở Tài chính, tình hình lan rộng dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, thương mại thế giới. Trong nước, hoạt động SXKD của DN, hộ kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Triển vọng tăng trưởng cả năm phụ thuộc nhiều vào thời điểm khống chế được dịch bệnh trong nước và thế giới.

Tại An Giang, dù dịch bệnh Covid-19 chưa xâm nhập vào tỉnh nhưng với đặc thù có đường biên giới dài giáp Campuchia, vẫn còn tiểm ẩn nguy cơ lây nhiễm, hoạt động SXKD bị ảnh hưởng, đời sống sinh hoạt của người dân bị tác động. Nhiều DN trong tỉnh, nhất là DN nhỏ và vừa, phải thu hẹp SXKD, tạm ngừng hoạt động, tác động đến thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Dù khả năng sụt giảm nguồn thu nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là hỗ trợ DN phục hồi SXKD. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh theo dõi, hướng dẫn thực hiện khi Bộ Tài chính ban hành chính sách cụ thể, đồng thời đôn đốc các DN thực hiện nhiệm vụ thuế đúng quy định, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế phát sinh, các khoản thuế còn nợ vào NSNN.

Theo quy định của Luật NSNN, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối NSNN. Theo Sở Tài chính, đây là yêu cầu không dễ bởi tỉnh vừa phải cần thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho DN và người dân trước tác động của dịch bệnh, vừa phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội. Do vậy, việc cân đối NSNN phù hợp với tình hình dịch bệnh là yêu cầu cần thiết.

Đảm bảo nhiệm vụ chi phù hợp

Nhằm kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu phấn đấu giải ngân ít nhất 95% tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư hoàn thành dự án. Cùng với chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư, các chủ dự án, nhà thầu phải tập trung các nguồn lực, trang thiết bị để triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn; không bổ sung dự án khởi công mới trong năm 2020 nếu không thật sự cấp thiết. Kho bạc Nhà nước tỉnh được yêu cầu thực hiện thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển, các cấp NSNN còn phải dành nguồn để thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên cho các lực lượng tham gia ngăn chặn, dập dịch Covid-19 (phụ cấp cho lực lượng phòng, chống dịch, tiền ăn và khám, chữa bệnh cho người bị cách ly...), mua sắp trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ NSNN cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Cùng với đó, phải hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.

Trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN.

Theo đó, thực hiện cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài; cắt giảm kinh phí lễ hội trong mùa dịch và sau mùa dịch. Các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nội dung chi theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện được trong năm 2020, giãn nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết qua các năm sau, giảm 10% kinh phí đối với các hoạt động còn lại (không kể các khoản chi cho con người).

Đối với các địa phương, ngoài sử dụng dự phòng, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương, kinh phí cải cách tiền lương còn dư (nếu có), các nguồn vận động, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho nhiệm vụ chi. Khi sử dụng dự phòng NSNN phải triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng 50% dự phòng ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng - an ninh…

Trong điều kiện phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội, để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho DN và người dân, UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên (trừ khoản chi cho con người như: lương, phụ cấp, trợ cấp)

 

NGÔ CHUẨN