Tiết kiệm giống, giảm chi phí khi sản xuất lúa theo SRP

16/03/2023 - 05:50

 - Qua mô hình thực tế triển khai tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), khi canh tác theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững), kết hợp máy gieo sạ cụm, nông dân tiết kiệm hơn 50% lúa giống, giảm 8 - 10% chi phí đầu vào nhưng năng suất vẫn đảm bảo, lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tăng giá trị.

Lợi đôi đường

Tại xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú), Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình “Sản xuất lúa theo hướng SRP, áp dụng cơ giới hóa thiết bị gieo sạ cụm gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ”. Mô hình triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Kim Thủy (xã Đào Hữu Cảnh) trong vụ đông xuân 2022 - 2023, có 16 hộ tham gia với diện tích 50ha.

Nông dân tham quan mô hình ở xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú)

Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng dùng máy sạ cụm để xuống giống 50ha lúa của mô hình; đồng thời bố trí 2ha đối chứng (canh tác bình thường). Trên ruộng trình diễn, sử dụng 60kg lúa giống/ha, còn ruộng đối chứng sử dụng 123kg/ha. Qua đánh giá của cán bộ chuyên môn, chiều cao cây lúa ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng từ 0,7 - 1,1cm ở các giai đoạn sinh trưởng.

Ruộng mô hình có tỷ lệ số chồi hữu hiệu 56,3% (417 bông/741 chồi tối đa), đạt 104 hạt/bông (92 hạt chắc); ruộng đối chứng tỷ lệ chồi hữu hiệu 48,9% (441 bông/902 chồi tối đa), đạt 101 hạt/bông (85 hạt chắc). Từ đó, năng suất thu được trên ruộng mô hình là 8,76 tấn/ha, ruộng đối chứng là 8,68 tấn/ha. Tính toán sơ bộ, nông dân tham gia mô hình giảm được lượng lúa giống hơn 50%, giảm chi phí đầu vào từ 8 - 10%, lợi nhuận tăng hơn 4 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

Nông dân Ngô Hữu Thời (ấp Hưng Phú, xã Đào Hữu Cảnh) là thành viên HTX nông nghiệp Kim Thủy, tham gia mô hình với diện tích 5ha. Ông sử dụng giống lúa OM18 cấp xác nhận 1, lượng giống gieo sạ chỉ 60kg/ha, năng suất cao, giá bán tại ruộng từ 6.200-6.300 đồng/kg lúa tươi; được HTX bao tiêu sản phẩm.

“Quy trình canh tác đều áp dụng cơ giới hóa (dùng máy sạ cụm; phun thuốc, bón phân bằng thiết bị bay không người lái; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp), áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. Nông dân được ngành nông nghiệp tập huấn về cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chuẩn SRP với 41 tiêu chuẩn, hướng dẫn cách chấm điểm, kinh nghiệm khắc phục các lỗi tiêu chí chưa đạt của SRP. Ngoài giảm chi phí, tăng lợi nhuận, canh tác lúa theo Bộ tiêu chuẩn SRP còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân, mang lại nhiều lợi ích” - ông Thời cho biết.

Hướng đến bền vững

Bà Ngô Thùy Mỹ Ngọc (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú) cho biết, tập quán sản xuất lúa của nông dân là còn sử dụng lượng giống khá cao (120 - 150kg giống/ha), lúa quá dày làm tăng áp lực sâu bệnh hại, lúa dễ đổ ngã khi gặp mưa bão ở giai đoạn thu hoạch, làm giảm năng suất, chất lượng hạt gạo. Việc sạ dày còn tác động xấu đến môi trường nước, không khí; dùng thuốc hóa học xử lý sâu bệnh nhiều gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân.

Mô hình sản xuất lúa SRP kết hợp cơ giới hóa góp phần giải quyết thiếu hụt nhân công lao động, giảm 40 - 60% lượng giống gieo sạ, đáp ứng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, tạo ra sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình đạt các yêu cầu về giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất, gắn liên kết tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm canh tác.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên, tuy đây là mô hình mới nhưng khả thi, có thể nhân rộng. Theo đó, việc sử dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ. Lúa sạ cụm phát triển tốt, thông thoáng, ít sâu bệnh. Sạ cụm còn giúp bộ rễ phát triển mạnh, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã ở giai đoạn thu hoạch. Khi so sánh giữa ruộng mô hình và ruộng đối chứng, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tin tưởng áp dụng các tiến bộ mới như kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và Bộ tiêu chuẩn SRP để giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận.

Bà Huỳnh Đào Nguyên cho biết, bên cạnh lợi ích thì việc triển khai mô hình cũng có những khó khăn. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, khi xuống giống gặp mưa liên tục nhưng rút nước còn chậm, một số nơi lúa bị chết, phát sinh thêm chi phí cấy dặm. “Cần tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu tưới - tiêu thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để việc áp dụng cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật được đồng bộ, hiệu quả hơn. Từ đó, nhân rộng mô hình ở các địa phương khác” - bà Nguyên kiến nghị.

NGÔ CHUẨN