Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Châu Phú thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Sau gần 10 năm thực hiện công tác tín dụng CSXH (tính đến tháng 6/2024), tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 25,67 tỷ đồng.
Trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đạt 18,84 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách huyện đạt 6,83 tỷ đồng. Qua đó, đã giải ngân 1.016 trường hợp, tổng với số tiền 22,79 tỷ đồng. Góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH kịp thời đã giúp gia đình anh Nguyễn Minh Tấn (thị trấn Cái Dầu) vượt qua khó khăn về kinh tế do bị thiệt hại nặng nề sau vụ cháy chợ năm 2022. Anh Tấn chia sẻ: “Nhớ lại năm 2022, là một tiểu thương buôn bán quần áo may sẵn trong chợ thị trấn, cuộc sống gia đình ổn định. Nhưng không may biến cố xảy ra, chợ bị cháy, nguồn vốn dùng để kinh doanh của gia đình mất trắng chỉ trong một đêm. Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình tôi từng bước ổn định kinh doanh, dần dần phát triển”.
Người dân vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (làm nghề bó chổi ở xã Bình Mỹ) cho biết, trước đây nhà chị nuôi vịt, nhưng sau đợt dịch cúm gia cầm, vốn liếng của gia đình mất trắng. Gia đình chị phải vay vốn của một ngân hàng thương mại để làm nghề bó chổi nuôi sống gia đình, nhưng do lãi suất cao nên tiền làm ra chỉ đủ trả nợ và một phần lo cho con cái, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. “Năm 2023, nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn của Ngân hàng CSXH, lãi suất ưu đãi nên gia đình tôi vay 40 triệu đồng để mở rộng vốn mua nguyên vật liệu làm chổi. Đồng thời, đầu tư thêm dàn âm thanh để cho thuê đám cưới, còn dư một số vốn để trang trải chi phí gia đình” - chị Giàu chia sẻ.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Diễn (xã Bình Mỹ), nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH kịp thời đã tạo việc làm cho cả gia đình, đặc biệt giúp con trai không rời quê tìm việc làm. Ông Diễn chia sẻ: “Tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư, mở rộng mô hình trồng rau thủy canh. Bình quân mỗi tháng hai cha con kiếm được khoảng 7 triệu đồng từ vườn rau, giúp kinh tế gia đình ổn định”.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ điểm giao dịch hàng tháng tại 13/13 xã, thị trấn để Ngân hàng CSXH tổ chức giao dịch an toàn, đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện đã phối hợp cùng Ngân hàng CSXH quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, ngăn chặn “tín dụng đen”, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Phú Nguyễn Thành Lưu cho biết, thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục tham mưu Huyện ủy tiếp tục triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thường xuyên thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng các cấp đối với tín dụng CSXH. Tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan báo chí tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng CSXH. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ Ngân hàng CSXH; tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ đến các bộ phận kiêm nhiệm phối hợp thực hiện chính sách tín dụng như hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn.
TRỌNG TÍN