Tín hiệu vui cho thị trường nông sản năm 2021

25/02/2021 - 04:49

 - An Giang là một trong những tỉnh có năng suất và sản lượng lúa đứng đầu cả nước, góp phần rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm 2021, lĩnh vực nông nghiệp được dự báo có mức tăng trưởng trở lại, với sự kỳ vọng ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, mặt hàng gạo và thủy sản sẽ có nhiều lợi thế so sánh với các nước khác, theo đó sẽ có cơ hội vượt khó, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu so năm 2020.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm tỉnh An Giang cho biết, qua 7 năm thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn trái (chuối, xoài), rau màu... dần được xác lập; phương thức sản xuất từng bước chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tới đây các vùng sản xuất được hình thành và phát triển theo chiều sâu, phát triển các ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã kiểu mới, sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, mở ra nhiều tín hiệu mới.

Xúc tiến, quảng bá sản phẩm gạo

Điểm lại năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Toàn tỉnh gieo trồng 637.000ha lúa, sản lượng đạt hơn 4 triệu tấn lúa, với các giống chủ lực: OM 5451; OM18, Đài thơm 8 và nếp An Giang. Xuất khẩu gạo đạt hơn 505.000 tấn, tương đương 263,98 triệu USD, kỳ tăng 8,75% về sản lượng và tăng 15,92 về kim ngạch so cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 522 USD/tấn, so cùng kỳ tăng 29 USD/tấn. Có 39 nước nhập khẩu gạo của tỉnh, chủ yếu là thị trường Châu Á. Năm 2021, theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng lúa 625.000ha, sản lượng ước đạt 3,991 triệu tấn. Trong đó có khoảng 87.800ha liên kết tiêu thụ.

Theo Sở Công thương, đối với mặt hàng gạo - sản phẩm chủ lực của tỉnh, năm 2021 sẽ tận dụng các cơ hội giá xuất khẩu đang ở mức tốt và thấp hơn đối thủ cạnh tranh; cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, là đòn bẫy cho ngành gạo thơm của Việt Nam. Sự gia tăng nhu cầu của các nước Châu Phi; sự tìm kiếm, chuẩn bị nguồn hàng từ Philippines.

Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo cao, đặc biệt là khu vực Tây Phi do sản xuất lúa không đủ, nhất là trong những năm xảy ra thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, Châu Phi nhập khẩu từ 12-13 triệu tấn gạo các loại; nhiều doanh nghiệp (DN) Philippines tìm kiếm nguồn hàng chuẩn bị cho quota mới...

Thu hoạch xoài. Ảnh: HẠNH CHÂU

Đối với mặt hàng rau quả đông lạnh luôn có sự ổn định về thị trường và sự gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngành hàng rau quả luôn tích cực tìm kiếm và phát triển thị trường truyền thống lẫn thị trường mới khi theo đánh giá về lâu dài, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục tác động lên ngành nông sản tươi.

Tuy nhiên, phong cách ăn uống lành mạnh có thể được đề cao hơn và điều đó sẽ được thay thế bằng những mặt hàng rau, củ, quả được chế biến, đông lạnh. Với khả năng phát triển thị trường và nhu cầu của thị trường vẫn còn nhiều, ước kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh năm 2021 đạt 17,5 triệu USD, tương đương 10.312 tấn, tăng 5,44% về lượng và tăng 5,42% về kim ngạch so cùng kỳ.

Để hỗ trợ phát triển thị trường, năm 2021, Sở Công thương sẽ phối hợp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị định hướng thị trường nông, thủy sản dành cho các DN kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh để có thêm thông tin, tiếp cận thị trường đang có nhu cầu.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời ký kết hợp tác năm 2021, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên 90.000ha lúa cho hợp tác xã và tổ hợp tác. Cuối vụ, công ty cam kết thu mua 100% lúa làm ra theo tiêu chuẩn đặt hàng đảm bảo lợi nhuận cho các thành phần tham gia trong liên kết tổ chức sản xuất. Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp UBND tỉnh tổ chức triển khai chương trình liên kết phát triển hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh An Giang với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng khép kín chất lượng ổn định và đảm bảo quyền lợi tối đa cho nông dân, góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn nữa của nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và quảng bá tốt hơn nữa cho thương hiệu gạo Việt trên thế giới.

An Giang còn hợp tác với Công ty Cổ phần Lavi Holding xây dựng vùng nguyên liệu lúa, rau màu, cây ăn trái… chuỗi giá trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp tỉnh còn nhận được sự phối hợp tích cực của các công ty, DN, như: Công ty CP Nafoods Miền Nam (NASOCO), Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp... khảo sát quy hoạch vùng nguyên liệu xoài, chanh, chuối… theo hướng sản xuất an toàn hữu cơ tại các điểm phù hợp và tiêu thụ nông sản, trái cây cho bà con nông dân trong tỉnh để chế biến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu...

Đây là những động thái tích cực, tín hiệu vui đầu năm mở ra hy vọng lớn cho thị trường nông sản năm 2021, thực hiện thành công mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cho nông sản, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân.

HẠNH CHÂU