Tịnh Biên thực hiện đề án chuyên canh lúa chất lượng cao

13/09/2024 - 06:55

 - Hiện nay, UBND TX. Tịnh Biên đang yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp các xã, phường, đơn vị liên quan tích cực triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn thị xã.

Theo Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta lúa) sẽ đáp ứng được 3 trụ cột phát triển của địa phương, gồm: Kinh tế, xã hội, môi trường. Với điều kiện canh tác nông nghiệp sẵn có, Tịnh Biên sẽ tích cực tham gia thực hiện đề án một cách hiệu quả, nhằm mang đến lợi ích bền vững cho nông dân.

Theo đó, mục tiêu UBND TX. Tịnh Biên hướng tới là hình thành, phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cùng với đó, thúc đẩy hình thành và phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tổ chức nông dân nhằm góp phần vào mục tiêu đẩy mạnh chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn thị xã. Từ đó, tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu trong phát triển sản xuất lúa gạo trên địa bàn thị xã đến năm 2030.

Đề án 1 triệu héc-ta lúa giúp nông dân sản xuất bền vững, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường

Là đơn vị được UBND thị xã giao chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến đề án, Phòng Kinh tế TX. Tịnh Biên đã chủ động nắm bắt thông tin, tổ chức triển khai các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng thị trường cũng như hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN) trong công tác đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa gạo…

Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tịnh Biên Lương Huy Hùng thông tin, đơn vị sẽ chủ động phối hợp cơ quan, địa phương tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với các đối tác trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất chọn, tạo giống lúa đặc thù của thị xã để phục vụ đề án và xuất khẩu.

Theo kế hoạch, Đề án 1 triệu héc-ta lúa sẽ triển khai tại 9 xã, phường của TX. Tịnh Biên trong giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, diện tích thực hiện trong năm 2024 là 2.000ha, tập trung tại các địa phương: Tân Lập, Tân Lợi, Núi Voi, An Nông. Sau đó, sẽ mở rộng diện tích qua từng năm, phấn đấu đạt mục tiêu 10.000ha vào năm 2030 tại 9 xã, phường theo kế hoạch. Cụ thể, diện tích tham gia đề án đến năm 2030 phải đảm bảo các tiêu chí canh tác bền vững, như: Lượng lúa giống gieo sạ dưới 70kg/ha; lượng phân bón, thuốc hóa học giảm 30%; giảm 20% lượng nước tưới; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết tiêu thụ, được cấp mã số vùng trồng và áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% lượng rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng...

Để đề án đạt mục tiêu đề ra, UBND TX. Tịnh Biên chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp về: Cơ chế chính sách; quy hoạch và tổ chức lại sản xuất; củng cố và đầu tư cơ sở hạ tầng; khoa học và công nghệ; thực hiện truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực HTX, THT và nông dân… Trong đó, sẽ tập trung vào các mô hình sản xuất tiên tiến, giảm khí thải nhà kính để người nông dân tiếp cận và làm theo; thực hiện nghiên cứu và nhận chuyển giao, khảo nghiệm các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải thấp; thúc đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu gạo của địa phương; hỗ trợ các nghiên cứu trong việc gia tăng giá trị chế biến sâu từ sản xuất lúa gạo…

Về những biện pháp cụ thể, ngành nông nghiệp tiến hành rà soát nhu cầu, đảm bảo cho HTX có ít nhất 1 loại máy móc phục vụ theo mong muốn các thành viên. Tập trung các công nghệ giúp giảm lượng giống gieo sạ, lượng rơm sau thu hoạch, áp dụng công nghệ tuần hoàn, xử lý bằng các chế phẩm vi sinh để trả lại dinh dưỡng cho đất. Cùng với đó, sẽ đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng thủy lợi hiện có và hệ thống bờ bao kết hợp với giao thông nội đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất trên cơ sở vận dụng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hoặc từ các chương trình, dự án nếu có.

UBND TX. Tịnh Biên cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN quảng bá, đưa các sản phẩm mới ra thị trường. Tiếp tục mời gọi các DN đến liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ, tập trung vào việc quảng bá thương hiệu gạo tại các hội chợ, hội nghị trưng bày sản phẩm trong, ngoài thị xã…  Qua đó, tạo điều kiện để các sản phẩm lúa gạo sản xuất theo tiêu chí an toàn của địa phương được tiếp cận thị trường nhiều nơi, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.

THANH TIẾN