TP. Long Xuyên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

06/03/2024 - 05:31

 - Việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. TP. Long Xuyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các ngành chủ lực và tiềm năng. Qua đó, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2023, trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, cùng với ảnh hưởng của kinh tế thế giới, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Long Xuyên vẫn tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước 2.702 tỷ đồng, đạt 104,28% kế hoạch.

Trong đó, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục duy trì và phát triển. Tiêu biểu là mô hình trồng hoa thiên lý sử dụng hệ thống phun sương tự động của ông Nguyễn Hồng Hà (phường Bình Khánh). Với diện tích 4.000m2, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 2.600kg, trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng.

Hay mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, ứng dụng thiết bị tạo ẩm siêu âm của ông Nguyễn Hoàng Trọng Đức (xã Mỹ Khánh) thực hiện thành công đem lại tín hiệu khả quan. Ngoài ra, còn có mô hình nuôi lươn VietGap, nuôi vịt xiêm trên đệm lót sinh học, trồng lúa Nhật, trồng nấm linh chi… của nông dân phường Mỹ Hòa; mô hình trồng rau an toàn, trồng dưa lưới trong nhà màng… của nông dân xã Mỹ Hòa Hưng. Các mô hình đã và đang mang lại hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở TP. Long Xuyên

Phát huy kết quả đạt được, UBND TP. Long Xuyên đã ban hành  kế hoạch tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh cho biết, kế hoạch hướng đến mục tiêu tiếp tục hình thành, duy trì, nâng chất và phát triển các vùng chuyên canh đối với 3 mặt hàng chủ lực của thành phố, là: Lúa, rau màu, thủy sản và 3 mặt hàng tiềm năng là: Cây ăn quả, nấm, hoa kiểng… Đồng thời, duy trì nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả phù hợp với nông nghiệp đô thị, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2024, hình thành các vùng chuyên canh, hợp tác xã liên kết sản xuất - tiêu thụ, như: Vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái xã Mỹ Hòa Hưng; hợp tác xã liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời; duy trì mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ rau màu, cây ăn quả với hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng... Bên cạnh, triển khai và nhân rộng hiệu quả 8 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị. Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án nông nghiệp đa mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh cho biết, thành phố xác định 3 ngành hàng chủ lực, gồm: Lúa giống chất lượng cao, rau an toàn và thủy sản. Đối với ngành hàng lúa giống, lúa chất lượng cao, thành phố sẽ duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa giống khoảng 162ha và lúa thơm đặc sản, lúa Nhật khoảng 2.460ha. Các diện tích lúa này sẽ ứng dụng công nghệ sinh học và sinh thái trong phòng trừ rầy nâu; kỹ thuật tưới lúa “ướt khô xen kẽ” của IRRI (Viện nghiên cứu lúa, gạo quốc tế); quy trình quản lý tổng hợp ICM, “1 phải, 6 giảm”; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, kháng rầy…

Đối với ngành rau an toàn (diện tích 28ha) sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng hệ thống nhà màng, tưới tự động, nông nghiệp hữu cơ, thủy canh, khí canh, Aquaponics, giống mới... Đối với ngành thủy sản (khoảng 134,47ha) sẽ ứng dụng công nghệ tuần hoàn Aquaponics, công nghệ sông trong ao, công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản... cho năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP.

Ngoài ra, TP. Long Xuyên còn xác định 3 ngành hàng tiềm năng, gồm: Cây ăn trái (120ha), sản xuất nấm ăn và hoa kiểng. Các biện pháp được triển khai đối với các ngành hàng tiềm năng, gồm: Thực hiện các mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, trồng nấm bào ngư trong nhà, trồng nấm có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm… Đồng thời, áp dụng hệ thống nhà kín, tưới tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng, sử dụng giống mới, sản xuất theo hướng an toàn...

UBND TP. Long Xuyên yêu cầu các phòng, ban chuyên môn triển khai các giải pháp về huy động nguồn vốn vay cho các cá nhân, tập thể duy trì và phát triển mô hình… Mặt khác, tiếp tục quy hoạch chi tiết các vùng chuyên canh hàng hóa, thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp; thu hút đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh bằng các chính sách ưu đãi đặc thù theo quy định… Hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các chính sách khuyến khích sản xuất, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố…

MINH ĐỨC