Trả lời chất vấn về ngành nghề nông thôn

18/12/2023 - 05:28

 - Cơ chế, chính sách, nguồn lực trong phát triển ngành nghề nông thôn và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh; kết quả phát triển các ngành nghề, làng nghề (bao gồm làng nghề mới, làng nghề truyền thống)… là những vấn đề được cử tri quan tâm, chất vấn tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh An Giang.

Phát triển ngành nghề nông thôn

UBND tỉnh có Quyết định 52/2019/QĐ-UBND, ngày 29/10/2019 về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định 23/2020/QĐ-UBND, ngày 25/5/2020 về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách góp phần huy động nguồn lực trong phát triển ngành nghề nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang chủ trì, phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động, như: Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các cấp, các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề về chính sách hiện hành với 14 lớp, 1.680 lượt người tham gia.

Qua đó, kết nối được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan, như: Đổi mới thiết bị, công nghệ, biển làng nghề, đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm; tổ chức các hội thi bình chọn sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận ở cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức và tham gia các hội chợ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia, góp phần giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản và sản phẩm chủ lực của địa phương đến với người tiêu dùng trong nước, kể cả khách hàng quốc tế.

Năm 2022, doanh thu của các cơ sở ngành nghề nông thôn đạt 810 tỷ đồng (năm 2021 là 690 tỷ đồng), gồm 6 doanh nghiệp (DN), 2 hợp tác xã (HTX) và 2.801 hộ sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho 9.110 lao động (năm 2021 là 3.058 lao động), mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 14 làng nghề, 15 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, với 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm cho 12.266 lao động, trong đó lao động có việc làm thường xuyên 10.265 người, mức thu nhập từ 900.000 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm OCOP là một trong những sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn được Trung ương và địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện. Tính đến nay, An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 900 lao động với mức thu nhập từ  3,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng, quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP tỉnh An Giang để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng.

Phát triển hợp tác xã

Thực hiện Quyết định 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1700/QĐ-UBND, ngày 22/7/2021 và Kế hoạch 823/KH-UBND, ngày 5/12/2022 để thực hiện. Kết quả, đã hỗ trợ hơn 250 lượt người là nhân sự quản lý, điều hành HTX, thành viên và người lao động tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kiến thức về nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực phát triển HTX; đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận giám đốc HTX cho 36 người là nhân sự quản lý, điều hành HTX.

Về chính sách vay tín dụng ưu đãi cho HTX nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang đã triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nói chung và HTX, tổ hợp tác nông nghiệp nói riêng tiếp cận vốn tín dụng. Tính đến tháng 11/2023, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 67.921 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2022, chiếm 63,59% tổng dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 14.159 tỷ đồng, tăng 8,53% so với cuối năm 2022.

Đối với chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ, đến nay, có 85 HTX nông nghiệp (chiếm hơn 40% tổng số HTX nông nghiệp), 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết với gần 30 DN, diện tích liên kết mỗi vụ ước khoảng 50.000ha.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về HTX, các chính sách hỗ trợ dành cho HTX để nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức trong ngành nông nghiệp, người lao động, thành viên HTX, tổ hợp tác, DN, người dân hiểu rõ về HTX, vai trò quan trọng và lợi ích thiết thực khi tham gia HTX; khuyến khích các DN tham gia vào hoạt động của HTX bằng nhiều hình thức; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

K.N