Trả lời cử tri liên quan lĩnh vực y tế

09/10/2023 - 06:34

 - Cử tri tỉnh An Giang đề nghị sớm thông tin về chủ trương, biện pháp, kế hoạch xử lý dịch COVID-19 và các bệnh khác, chủ động phòng ngừa, đảm bảo dịch bệnh được kiểm soát nhưng không gây xáo trộn trong sinh hoạt của người dân, hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nhất là lúc đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc quyết liệt kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của ngành y tế và các lực lượng phòng, chống dịch, nước ta đã kiểm soát được dịch COVID-19, các dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, cúm…), bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ, viên gan cấp không rõ nguyên nhân…); phòng, chống dịch bệnh dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm, trong giai đoạn giao mùa và trong mùa bão, lũ.

Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch; định kỳ tổ chức giao ban, hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn hỗ trợ địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, nhất là dịch COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh. Xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống; chủ động triển khai biện pháp ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng và trong cơ sở y tế, xử lý kịp thời ổ dịch, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, hạn chế bùng phát lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; duy trì triển khai tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tập trung khuyến cáo, vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19) tổng kết Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; báo cáo 3 năm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm đáp ứng với diễn biến dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tiếp tục phối hợp các nước trên thế giới thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) chia sẻ, cập nhật thông tin dịch bệnh; hợp tác huy động nguồn lực và kỷ thuật cho phòng, chống dịch bệnh. Triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý; trong đó tập trung hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược (sửa đổi), Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Luật Phòng bệnh, Luật Thiết bị y tế, Luật Dân số; trình Ban Bí thư Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp tình hình hiện nay, như: Điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B; công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025; triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp tình hình.

Cùng với đó, tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, mới phát sinh; tăng cường giám sát dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, vector truyền bệnh, vaccine phòng bệnh, dự báo dịch, xây dựng mô hình phòng chống để đề xuất biện pháp phòng chống phù hợp; nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, tranh thiết bị, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra các tình huống của dịch bệnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB). Tập trung hoàn thiện danh mục kỹ thuật KCB và định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế; các tiêu chuẩn, tiêu chí quản lý, đánh giá, đo lường chất lượng KCB. Đẩy mạnh hoạt động KCB từ xa, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới. Tiếp tục phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại.

Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc; trang thiết bị y tế tại bệnh viện. Triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc, vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Tiếp tục truyền thông hiệu quả về phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Các bộ, ngành, đoàn thể chủ động phối hợp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, truyền thông… để quản lý, cung cấp thông tin y tế kịp thời, chính xác, thống nhất và hiệu quả.

K.N