Cử tri trình bày ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp
Gửi gắm nhiều ý kiến
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, chỉ sau 3 ngày tiếp xúc cử tri tại 11 điểm trong tỉnh, đoàn ghi nhận 100 ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến cơ quan thẩm quyền địa phương. Điển hình như, đề nghị sớm hoàn thành chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (cử tri TP. Long Xuyên); đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế, đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm cho tuyến huyện để giảm tải khám bệnh cho tuyến trên (cử tri huyện An Phú).
Trong khi đó, cử tri huyện Tri Tôn đề nghị xây dựng nhà máy xử lý rác thải, lò thiêu công nghệ tiên tiến đảm bảo môi trường. Cử tri huyện Châu Phú bức xúc với tình trạng kẹt xe tại thị trấn Cái Dầu, nhất là vào ngày nghỉ và ngày lễ lớn; đề nghị xây dựng đường tránh cho thị trấn hoặc đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến cao tốc đi qua địa phận huyện…
Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp là nội dung được cử tri quan tâm nhiều nhất. Bà Trần Thị Yến Châu (huyện Chợ Mới) phát biểu hơn 20 phút, bày tỏ rất nhiều băn khoăn, vướng mắc ở lĩnh vực này: “80% người dân huyện sống bằng nghề nông. Dịch bệnh khiến sản phẩm làm ra của nông dân bấp bênh, thị trường tiêu thụ ách tắc. Giá phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… tăng “phi mã”, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân.
Tính ra, nông dân ĐBSCL chịu nhiều thiệt thòi, đề nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề này; ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; tập trung đầu tư cho ĐBSCL đúng mức; có quy chuẩn, hành lang pháp lý, biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp (DN) làm ăn gian dối; thêm chính sách hỗ trợ đầu tư cho người làm khoa học cơ bản, góp phần phát triển nông nghiệp”.
Trong buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt”, lãnh đạo chính quyền địa phương gửi gắm khoảng 20 nội dung đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (đô thị loại I, khu kinh tế); xem xét điều chỉnh quy định thông qua HĐND cấp tỉnh đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I; đối với các đô thị còn lại và điểm dân cư nông thôn chỉ thông qua HĐND huyện.
Sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với nhóm đối tượng là DN nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là chính sách ưu đãi để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động sang DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tham mưu Chính phủ phân cấp cho địa phương được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (như đã áp dụng tại TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An)...
Gánh vác trách nhiệm cầu nối
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ: “Cử tri đã bầu chúng tôi, thì chúng tôi phải có trách nhiệm với cử tri. Đó là lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, nói lên nguyện vọng của cử tri trước diễn đàn Quốc hội; kiến nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết vướng mắc của bà con. Rõ ràng, người trồng lúa đang gặp rất nhiều thiệt thòi, nên đã kiến nghị để có chính sách phù hợp. Trong đó, hướng đến chính sách cụ thể như bảo hiểm cho người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.
Ông Lương Quốc Đoàn dành thời gian phân tích những vướng mắc mà bà con An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung đang gặp phải, về nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan: Sản xuất nông sản tràn lan, không theo quy hoạch, quy chuẩn chất lượng; chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch và phụ thuộc vào một thị trường lớn; chưa định được thị trường cung cầu thực chất; hiện tượng giá phân bón tăng... Ông Đoàn khuyên nông dân tích cực tham gia hợp tác xã, để hợp tác xã đứng ra kết nối với DN, tránh tình trạng nông dân và DN “bẻ kèo”, do chưa đủ niềm tin với nhau; hướng đến xây dựng nguồn nguyên liệu nông sản, trong đó An Giang - Đồng Tháp là 2 tỉnh đầu mối.
Kết thúc đợt tiếp xúc cử tri, ông Trình Lam Sinh nhận định: “Có thể thấy, bà con cử tri rất quan tâm đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đặt ra hàng loạt kiến nghị, giải pháp chất lượng, tâm huyết. UBND tỉnh, từng sở, ngành làm rõ kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; rất trách nhiệm trong phân tích khó khăn, vướng mắc, đề xuất ý kiến đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.
Chúng tôi ghi nhận, nghiên cứu để có những đề xuất phù hợp trong kỳ họp sắp tới, ưu tiên các nội dung trọng điểm, nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, nỗ lực hoàn thành tốt nhất công tác chuẩn bị nội dung, phục vụ chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, đặc biệt là phát huy vai trò “cầu nối” của ĐBQH”.
Nhiều ý kiến, kiến nghị của tỉnh gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 cho các tỉnh, thành phố; xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022... |
GIA KHÁNH