Cây dó bầu là loại cây gỗ lớn, cao 15 - 25m, mọc ở nơi có độ ẩm cao, thích nghi với độ cao khoảng 300 - 400m so mặt nước biển. Nhiều vị cao niên kể rằng, khi vùng Bảy Núi còn hoang vu, cây cối rậm rạp, cây dó bầu tập trung nhiều nhất ở núi Dài (huyện Tri Tôn) và núi Cấm (TX. Tịnh Biên). Lúc lên rừng làm rẫy, nhiều người vô tình cầm búa chặt, lấy dăm cây dó bầu ngửi có mùi thơm, mới phát hiện ra trầm hương.
Bấy giờ, chẳng biết làm gì, họ chỉ đốn cây, chẻ ra đem vô chùa, đình đốt cúng. Một số người bị đau bụng gió, trúng thực, bị mề đay, nhức đầu, cảm lạnh cũng lấy trầm hương đem xông, thấy công hiệu… Qua năm tháng, cây trầm hương Bảy Núi tỏa ngát hương, hòa quyện cùng nhịp sống cư dân, trở thành loại thuốc nam quý hiếm.
Ông Đạt đang chăm sóc cây dó bầu giống
Khi thân cây bị sâu đục, gió giật vặn nứt cây… lâu ngày 1 loại nhựa tinh túy đặc biệt tiết ra để tạo thành trầm. Ngoài ra, các chuyên gia tìm được cách khai thác trầm từ cấy tạo trầm hương trên cây dó bầu. Chọn cây dó bầu đủ tuổi rồi khoan lỗ tạo trầm trên thân, sau đó men vi sinh được cấy vào giúp kích thích hình thành vết thương nhanh hơn. Qua vết thương, vi sinh vật xâm nhập, đẩy nhanh quá trình hình thành và tụ trầm.
Cây dó bầu rất dễ trồng, nhưng để có trầm đòi hỏi mất thời gian dài, không phải cây dó bầu nào cũng tạo được trầm. Cầm những khúc gỗ giống như đoạn san hô, ông Đạt giới thiệu đây là trầm hương ông sản xuất. Ông bẻ một miếng dăm, đốt lên có mùi thơm thanh dịu lan tỏa. Ông Đạt cho biết, từ năm 1996, ông đã trồng cây dó bầu xen cây ăn trái, cây rừng (khoảng 6ha đất) ở Ô Sìn và Ô Vàng (núi Dài). Cây dó bầu cho trầm được khai thác hầu như toàn bộ, ngoại trừ lá.
Ông Đạt chia sẻ, cây dó bầu cho trầm hương phải trồng ít nhất 10 năm. Giá trị của dó bầu phụ thuộc vào tuổi đời và lượng trầm trong thân cây. Cây càng già, trầm càng nhiều thì giá càng cao. Cây dó bầu cho trầm tốt phải là cây có bọng bên trong. Tất cả khâu bóc tách trầm hương đều làm thủ công. Công đoạn đầu tiên là vạt bỏ thớ bên ngoài. Khi đến gần phần bọng cây, dùng chiếc đục sủi tiếp, nhưng phải hết sức cẩn thận. Trong quá trình sủi, cây đục phải mài cho bén như dao lam thì lấy trầm mới hiệu quả. Một cây trầm trông bề ngoài to, nhưng khi đẽo sâu vào trong, chỉ lấy được vài miếng trầm hương nhỏ.
Các sản phẩm từ trầm hương
Khai thác dầu trầm xong, ông Đạt lấy bã trộn với tất cả nhánh xay nhuyễn làm thành nhang. Hiện nay, ông Đạt sản xuất và bán chủ yếu 2 loại sản phẩm (nhang nụ và nhang cây). Nhang cây dài 40cm, giá 80.000 đồng/bó/100 cây, loại dài 60cm giá 120.000 đồng/bó/100 cây; nhang nụ giá 3.000 đồng/nụ.
Bên cạnh đó, ông Đạt còn ươm cây dó bầu giống để bán cho những ai có nhu cầu, giá từ 2.500 - 5.000 đồng/cây tùy theo kích thước. Ngoài ra, ông còn cất tinh dầu trầm để nâng cao hiệu quả từ trầm hương bản địa. Tinh dầu trầm được ông Đạt bán cho bạn hàng ở các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh… “Tôi đang đầu tư nồi chưng cất tinh dầu trầm hương lớn hơn để mở rộng sản xuất. Hy vọng, chưng cất tinh trầm hương đạt như mong muốn, giúp bà con xứ núi tăng thu nhập, gắn bó với rừng nhiều hơn…” - ông Đạt chia sẻ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vùng Bảy Núi có khoảng 680 loài dược liệu, nhiều loài cây dược liệu bản địa quý, như: Đinh lăng, nghệ vàng, nghệ xà cừ, ba kích, hà thủ ô đỏ, kim tiền thảo, huyết rồng, thần xạ hương, sâm hồng… Có 6 loại dược liệu thuộc “Sách đỏ cây thuốc Việt Nam”. Do đất đai, khí hậu phù hợp nhiều loại cây dược liệu quý, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, trong đó có cây dó bầu lấy trầm hương.
Tuy nhiên, nguồn dược liệu tự nhiên bị khai phá gần như cạn kiệt, mức độ tái sinh trong môi trường tự nhiên rất chậm. Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu rất cần thiết, khôi phục các loài dược liệu quý hiếm, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống để người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững…
TRỌNG TÍN