Ông Võ Văn Rượu chỉ con đường dẫn vào phía trong của các hộ
Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, vợ, chồng ông Rượu, bà Sửng trình bày: “Ngày 7-9, gia đình tôi bị mất con chó, tìm hoài không thấy. Trong khi đó, phía sau nhà ông Võ Văn Bảy có người đang chặt thịt chó để chuẩn bị tiệc ăn nhậu. Để phòng, tránh mất tài sản lần nữa, chúng tôi rào phần đất của mình, nhưng ông Bảy buộc phải tháo dỡ ngay. Do chúng tôi không đồng ý nên ông Võ Văn Bảy chửi bới, hăm dọa sẽ “dạy cho bài học”.
Khoảng 6 giờ ngày 8-9, khi tôi đang đứng gần cầu thang nhà, ông Bảy xông tới gây chuyện, cầm cây tre đánh vào tay và chân tôi. Vợ, chồng tôi báo tin nhờ công an địa phương đến xem xét, giải quyết. Chiều đó, ông Bảy đến Ban Nhân dân ấp Khánh Châu nói chúng tôi tự ý rào chắn đường ra vào, mà không đá động đến hành vi vừa ra tay đánh người. Khoảng 20 giờ cùng ngày, ông cùng 3 người con và nhiều người khác đến vây kín nhà, chửi bới, văng tục, đánh đập 2 vợ, chồng tôi, một lúc mới chịu ngừng tay, bỏ đi.
Do bị đánh quá nặng nên vợ, chồng tôi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) điều trị. Đến nay, vụ việc đã rõ ràng nhưng vẫn chưa được giải quyết, còn phía bên gây thương tích vẫn thách thức và tiếp tục hăm dọa chúng tôi”.
Tìm hiểu sự việc cho thấy, phần đất của vợ, chồng ông Rượu liền kề với 3 hộ, đều là bà con tộc họ. Họ tranh chấp về phần ranh đất đã hơn 10 năm, dù đã được địa phương hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Đặc biệt, lúc các hộ giáp ranh sang nhượng, định vị phần ranh đất thường xảy ra cự cãi, ẩu đả.
Một người trong tộc họ am tường vụ việc (xin giấu tên) cho biết: “Ai cũng nói phần diện tích đất tranh chấp là của mình, nhưng họ lại không chịu truy nguồn gốc để xác định lại vị trí, làm rõ trắng đen phần ranh đất này. Qua nhiều năm, họ mặc nhiên để tồn tại con đường ra vào, lâu lâu lại cự cãi, ẩu đả nhau. Dù là người trong gia tộc nhưng họ không chịu ngồi lại tìm giải pháp, mà thường nhờ đến chính quyền can thiệp, làm tình nghĩa họ hàng bị chia cắt”.
Trả lời về khiếu nại của vợ, chồng ông Rượu, Công an xã Khánh Hòa cho biết: “Nhận được tin báo của gia đình ông và Ban Nhân dân ấp Khánh Châu, chúng tôi đến hiện trường tìm hiểu, nắm bắt sự việc. Tuy nhiên khi đến nơi, số người tham gia đã đi mất, dụng cụ “gây chiến” bị tẩu tán, không còn đúng với hiện trường sự việc vừa xảy ra. Sau sự cố, đa số đã đi nơi khác, hầu hết đi lao động ở ngoài tỉnh. Qua làm việc với ông Võ Văn Bảy và các hộ liên quan cho thấy: khi nhà ông đang làm thịt con chó, bà Sửng đi qua, nói "xiên xéo", hàm chỉ là con vật của gia đình bà. Sau đó, vợ, chồng bà rào lại phần con đường đã cố định từ nhiều năm qua. Do nhiều người ở phía trong di chuyển không được nên kéo nhau ra yêu cầu vợ, chồng bà tháo dỡ, trả lại nguyên trạng như ban đầu. Không được đáp ứng, phía ông Bảy ra tự tháo dỡ.
Thấy vậy, vợ, chồng bà Sửng ra ngăn cản. Trong lúc 2 bên giằng co đã ẩu đả nhau, gây thương tích. Chúng tôi đã thu giữ vật chứng, lấy lời khai, xử lý bước đầu, sẽ tiếp tục mời những người liên quan để làm rõ và có kết quả xử lý cụ thể theo quy định. Nguyên cớ của sự việc trên là do tranh chấp phần ranh đất của các hộ”.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư An Giang) cho biết: “Hành vi ẩu đả gây thương tích cho người khác thì phải bồi thường. Việc bồi thường đó phụ thuộc vào mức độ lỗi của các bên. Trong vụ việc trên, cần hòa giải dân sự giữa 2 bên. Trước khi hòa giải, cơ quan chuyên môn sẽ xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu xác định được tỷ lệ thương tích và chứng minh được người gây thương tích có sử dụng hung khí nguy hiểm, có tổ chức hoặc gây cố tật cho nạn nhân”.
Bài, ảnh: N.R