Tri Tôn chủ động sản xuất lúa đông xuân 2023 - 2024

15/11/2023 - 07:46

 - Vụ đông xuân 2023 - 2024, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) dự kiến xuống giống lúa với diện tích 42.639ha. Để sản xuất vụ mùa thắng lợi, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn tập trung xuống giống đúng thời vụ, lựa chọn giống chất lượng, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

UBND huyện Tri Tôn cho biết, tính đến ngày 24/10, diện tích lúa thu đông trên địa bàn huyện đã thu hoạch được trên 13.684/33.455ha; năng suất trung bình đạt 5,65 tấn/ha; sản lượng cả vụ ước đạt 189.021 tấn. Năm nay, mực nước lũ tương đối thấp, đồng thời giá lúa hiện tại ở mức cao, những hộ đã thu hoạch xong vụ thu đông tranh thủ xuống giống vụ đông xuân vào cuối tháng 10.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời điểm này và trong 3 tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Mặt khác, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và ngắn hơn so với trung bình nhiều năm…

Ngoài ra, từ tháng 2 - 4/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài. Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Trước diến biến bất lợi của thời tiết, khí hậu, UBND huyện Tri Tôn đã triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ đông xuân 2023 - 2024.

Huyện Tri Tôn đề ra một số giải pháp nhằm sản xuất thắng lợi

Theo đó, dự kiến kế hoạch diện tích xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn huyện Tri Tôn khoảng 42.639ha. Trong đó, xuống giống lúa 41.603ha. Ước năng suất lúa bình quân đạt 7,15 tấn/ha, sản lượng trên 297.461 tấn. Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo cho cả tỉnh và tình hình khí tượng, thủy văn…

UBND huyện Tri Tôn khuyến cáo bắt đầu xuống giống từ ngày 1/11 - 31/12, chia làm 3 đợt. Đợt 1, xuống giống từ ngày 1 - 15/11, tập trung ở những tiểu vùng sản xuất 2 vụ tại các xã: Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lương An Trà, Tà Đảnh, thị trấn Ba Chúc... và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông với diện tích khoảng 18.000ha. Đợt 2, từ ngày 16/11 - 15/12, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 18.000ha, tập trung tại tất cả các xã. Đợt 3, từ ngày 16 - 31/12/2023, xuống giống diện tích còn lại của huyện, khoảng 5.603ha

UBND huyện Tri Tôn còn đưa ra khung lịch xuống giống né rầy, gồm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 10 - 20/11, diện tích khoảng 10.000ha;  đợt 2, từ ngày 10 - 20/12, diện tích khoảng 12.000ha. Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh.

Về cơ cấu giống lúa, UBND huyện Tri Tôn cho biết, theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi địa phương xác định 4 - 5 giống chủ lực, 4 - 5 giống bổ sung và giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không quá 20%. Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Mặt khác, căn cứ vào số liệu theo dõi về tình hình giá lúa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa: OM 9582, Đài Thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM 4900… phù hợp với thị trường, thời vụ gieo trồng. Đây là những giống lúa phù hợp thời tiết vụ đông xuân 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, UBND huyện Tri Tôn yêu cầu các địa phương thay thế những giống lúa không còn phù hợp bằng các giống lúa được đề xuất, như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448... Tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica, như: ĐS1, Hana, Kinu... và nếp đề nghị các địa phương và nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Để sản xuất vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 thắng lợi, UBND huyện Tri Tôn yêu cầu các ngành chuyên môn, các địa phương khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống. Đặc biệt là những vùng không sản xuất vụ thu đông do nước nhỏ còn rất nhiều lúa chét, cỏ dại... Tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi và diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Khuyến cáo nông dân làm đất kỹ trước khi xuống giống vụ mới. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác, như: IPM; “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, IPHM... Đồng thời, đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng trên lúa, rau màu, cây ăn trái tại các vùng có triển khai liên kết tiêu thụ, giúp chuỗi liên kết sản xuất được ổn định.

UBND huyện Tri Tôn đồng thời khuyến cáo nông dân tăng cường công tác kiểm tra, thăm đồng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh hại, để có biện pháp ứng phó kịp thời bảo vệ năng suất lúa tốt hơn. Mặt khác, tuân thủ khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, né rầy, né hạn mặn nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả… Đồng thời, khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống, đặc biệt ở những vùng không sản xuất vụ thu đông do nước nhỏ còn rất nhiều lúa chét, cỏ dại...

MINH ĐỨC