Triển vọng giá thể từ phân chim yến, vỏ trái thốt nốt và rơm rạ xay nhuyễn

15/04/2024 - 01:59

 - Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ TX. Tịnh Biên vừa tổ chức đánh giá, thẩm định và thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, đề tài: “Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn TX. Tịnh Biên” do Ths. Lê Văn Thành, Trưởng trạm Khuyến nông TX. Tịnh Biên làm chủ nhiệm. Mục tiêu nhằm khai thác nguồn dinh dưỡng từ phân yến đem lại giá trị gia tăng, đồng thời giải quyết cho người nuôi yến vấn đề ô nhiễm môi trường…

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh An Giang về điều tra chăn nuôi, năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 1.300 nhà dẫn dụ chim yến, sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 9,8 tấn. Ths. Lê Văn Thành, Trưởng trạm Khuyến nông TX. Tịnh Biên cho biết, nghề nuôi và khai thác sản phẩm từ chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, đi đôi với những lợi ích kinh tế, mô hình này tiềm ẩn những bất lợi cho môi trường. Ước tính, mỗi nhà nuôi chim yến trung bình thải ra khoảng 50kg phân/tháng, đa phần chưa được xử lý. Người nuôi chim yến định kỳ thu gom phân 2 tháng/lần. Lượng phân này được các chủ hộ tập trung lại chờ các đơn vị đến thu mua nên sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, thốt nốt là một trong những loại cây đặc trưng của TX. Tịnh Biên. Việc thu hoạch trái thốt nốt gần như là công việc mang lại thu nhập chính cho một số hộ dân ở các xã, phường, như: Tân Lợi, An Phú, Nhơn Hưng... Sau khi tách lấy múi để bán ra thị trường, phần vỏ trái còn lại thường bị bỏ đi. Khi có mưa xuống, vỏ trái thốt nốt sẽ bốc mùi ôi chua, nước thải ra gây ảnh hưởng môi trường, mất vẻ mỹ quan đô thị.

Ths. Lê Văn Thành trình bày Đề tài: “Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn TX. Tịnh Biên”

Theo số liệu của Chi cục Thống kê TX. Tịnh Biên, năm 2023, địa phương có gần 127ha diện tích cây thốt nốt, với khoảng hơn 31.700 cây. Trong đó, diện tích đang thu hoạch gần 93ha, tương ứng khoảng 23.200 cây; mỗi ngày ước tính thải hơn 10,5 tấn vỏ thốt nốt. Cùng với phân chim yến và vỏ thốt nốt thì việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch hiện nay trên địa bàn TX. Tịnh Biên cũng là vấn đề nan giải. Sau mỗi vụ thu hoạch, thói quen đốt đồng của nông dân gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, ảnh hưởng đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc vùi rơm rạ vào đất ruộng gây tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính…

Từ những thực tế trên, Ths. Lê Văn Thành, Trưởng trạm Khuyến nông TX. Tịnh Biên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2024, đề tài: “Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn TX. Tịnh Biên”. Đề tài xây dựng quy trình sản xuất giá thể từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, gồm: Phân chim yến, vỏ trái thốt nốt và rơm xay nhuyễn... thử nghiệm hiệu quả trên rau màu. Qua đó, tạo ra giá thể phù hợp, phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình canh tác cây trồng.

Ths. Lê Văn Thành cho biết, phân chim yến là một nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, làm cây sinh trưởng và phát triển nhanh, lại ít mùi hôi so với các loại phân hữu cơ khác. Theo đó, nguồn thức ăn của chim yến chủ yếu là côn trùng, hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân cao hơn của dơi, gia cầm và các loài gia súc ăn cỏ. Ngoài ra, trong thành phần của phân chim yến giàu các loại nguyên tố thiết yếu, như: Chất hữu cơ, đạm, lân, kali nên có khả năng tăng chất mùn, tăng độ phì nhiêu cho đất…

Theo đánh giá của Ths. Lê Văn Thành, giá thể từ phân chim yến, vỏ thốt nốt và rơm rạ xay nhuyễn bằng chế phẩm vi sinh, quy mô 1.000kg có giá thành thấp hơp 10% so sản phẩm thương mại có cùng công dụng trên thị trường. Cùng với đó, quy trình sản xuất giá thể từ phân chim yến, vỏ trái thốt nốt và rơm xay nhuyễn bằng chế phẩm vi sinh có chỉ tiêu chất lượng chính phù hợp tiêu chuẩn phân bón hữu cơ vi sinh theo QCVN 01-189: 2019/BN NPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, có thể áp dụng rộng rãi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân trồng rau trên địa bàn tỉnh…

Việc thực hiện đề tài “Sản xuất giá thể phục vụ trồng trọt từ phân chim yến trên địa bàn TX. Tịnh Biên” là cần thiết. Qua đó, tạo tiền đề cơ sở để đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn chất thải trồng trọt và chăn nuôi để phục vụ cho quá trình sản xuất và canh tác cây trồng theo hướng an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ths. Lê Văn Thành chia sẻ: “Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.

Một trong những biện pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp bền vững là sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt và tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi để sản xuất ra phân bón hữu cơ. Đồng thời, hạn chế dần việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học vào sản xuất. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp”.

ĐỨC TOÀN