Triển vọng mô hình nuôi cá chạch lấu

24/11/2021 - 06:26

 - Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh có xu hướng đa dạng đối tượng và hình thức nuôi thủy sản, đặc biệt là các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất là một trong những mô hình triển vọng giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mô hình tiềm năng

Nhằm phát triển nghề nuôi cá đặc sản có tiềm năng, giá trị cao, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất đối với nông dân các huyện: Phú Tân, Tịnh Biên, Thoại Sơn, An Phú. Tại huyện Phú Tân, mô hình do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện từ tháng 6-2021 cho nông dân xã Phú Thành, diện tích 500m2.

Mô hình nuôi cá chạch lấu khá triển vọng để phát triển kinh tế nông hộ

Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Cao Văn Đủ cho biết, trước đây, bà con nông dân chủ yếu nuôi cá chạch lấu trong lồng bè đặt trên sông. Thời gian đầu, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá, nhưng những năm gần đây, nguồn nước trên sông bị ô nhiễm dẫn đến sản lượng và chất lượng cá không cao. Từ đó, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất cho bà con nông dân. “Mô hình được đánh giá là thành công. Đây là cơ sở để tham mưu ngành chuyên môn thực hiện những mô hình có quy mô lớn hơn và mật độ cao hơn cho nông hộ”- ông Đủ khẳng định.

Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Cao Văn Đủ cho biết, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục thực hiện mô hình thâm canh cho nông hộ, định hướng nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi mới, thay cho việc nuôi lồng bè trên sông, vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng nước và rủi ro cao.

Để thực hiện thành công mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất là quản lý tốt nguồn nước và ô-xy. Nước trước khi bơm vào ao sẽ được lọc kỹ để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn, trứng cá và các ấu trùng gây hại. Cần bón men vi sinh vào ao (liều lượng theo nhà sản xuất) trước khi thả con giống 3 ngày. Ao nuôi cần phải lắp đặt hệ thống cung cấp ô-xy nhằm đảm bảo dưỡng khí cho nhu cầu của cá. Nên bố trí ống khí đều trong ao, tránh trường hợp ô-xy thiếu một vài khu vực trong ao, cá sẽ tập trung vào một chỗ sẽ gây hiện tượng phân đàn. Ngoài ra, trước khi nuôi, ao đất cần phải được làm sạch đáy, bờ ao, diệt tạp, vét bớt bùn, bắt cá, lắp hang hốc, khử trùng, rải đều vôi khắp ao và bờ ao nhằm tăng hiệu quả khử trùng ao, đồng thời tạo cân bằng độ pH cũng như giúp các chất hữu cơ được phân hủy trong điều kiện tốt nhất. 

Nên chọn cá giống kích cỡ đều, dài từ 12-15cm; chọn cá khỏe, không bệnh, không dị tật; mật độ nuôi khoảng 5 con/m2. Cá chạch lấu chủ yếu sử dụng thức ăn viên, tùy theo trọng lượng cá mà điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Cần kiểm soát lượng thức ăn thật kỹ, chỉ cho cá ăn theo nhu cầu, tránh cho ăn dư thừa sẽ làm môi trường nước ao giảm xuống. Đặc biệt, nên cho cá ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất.

Mặc dù có sức đề kháng cao nhưng cá chạch lấu vẫn có khả năng mắc một số bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm, như: nấm, ký sinh trùng, bệnh đường ruột... Để phòng ngừa các loại bệnh này, cần kiểm soát nguồn nước; điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, không để tình trạng dư thừa gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình nuôi cần bổ sung các loại vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa… vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra cá để sớm phát hiện và xử lý các dấu hiệu bất thường. 

Hiệu quả kinh tế khá

Ông Trần Văn Tươi (nông dân xã Phú Thành, người thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất tại huyện Phú Tân) cho biết, từ năm 2010-2015, gia đình ông phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá tra giống. Thời gian gần đây, do giá con giống xuống thấp nên mô hình không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, nhận thấy mô hình nuôi cá chạch lấu mang lại lợi nhuận cao, chi phí thức ăn thấp nên ông Tươi đăng ký với địa phương xin hỗ trợ xây dựng mô hình. Sau 6 tháng nuôi, ông Tươi đánh giá: “Nhờ áp dụng theo phương pháp cán bộ kỹ thuật chuyển giao nên đến thời điểm này, cá chạch lấu sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, cá có trọng lượng 6-7 con/kg. Gia đình tôi sẽ tiếp tục nuôi thúc để cá đạt trọng lượng yêu cầu sẽ tiến hành thu hoạch”- ông Tươi chia sẻ. Cá chạch lấu có giá trị thương phẩm khi đạt trọng lượng 300gr/con trở lên sẽ có giá khoảng 350.000 đồng/kg.

Việc xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi cá chạch lấu đã góp phần chuyển đổi một số đối tượng thủy sản kém hiệu quả hoặc cải tạo các ao nuôi vụ trước để nâng cao thu nhập cho nông hộ. Ngoài ra, mô hình sử dụng con giống có nguồn gốc sinh sản nhân tạo và sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp nên mô hình giảm tác động môi trường xung quanh đáng kể...

Cá chạch lấu có tên khoa học là Mastacembelus favus. Trong tự nhiên, cá chạch lấu là loài ăn động vật, chủ động bắt mồi. Trong ao nuôi, cá chạch lấu có thể sử dụng tốt thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp. Cá chạch lấu là loài có giá trị kinh tế cao, thịt béo, có mùi thơm ngon đặc trưng và được chế biến thành nhiều món ăn ngon.

ĐỨC TOÀN