Triển vọng sản suất ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn

09/10/2023 - 09:14

Sau thời gian thực nghiệm, mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân vùng núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên.

Năm 2023, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Viện Nghiên cứu ngô cùng tiến hành “Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”,  nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi bò sữa đang phát triển nhanh hiện nay. Mô hình sản suất ngô sinh khối tập trung gắn với các nông trường chăn nuôi bò sữa ở vùng Mộc Châu (Sơn La) và Đắk Lắk (Tây Nguyên), để hoàn thiện mô hình sản suất ngô sinh khối theo kinh tế tuần hoàn.

Thông qua kết quả mô hình thử nghiệm sử dụng phân bón Đầu Trâu trên nền giống ngô tiên tiến của viện để khuyến cáo mở rộng vùng sản suất ngô sinh khối, trước mắt là vùng núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, sau đó phát triển rộng trên cả nước.

Mô hình được thực hiện 2 vụ liên tiếp (hè thu và thu đông, 2023) tại 2 vùng sinh thái là Tây Bắc (Sơn La) và Tây Nguyên (Đăk Lăk), với công thức phân bón được lựa chọn tương đối phù hợp cho nhu cầu của giống ngô lai thu sinh khối của Viện Nghiên cứu ngô (vụ 1). Sau khi sơ kết vụ hè thu (vụ 1) của cả 2 vùng sinh thái, công thức phân bón sẽ được điều chỉnh thêm cho phù hợp hơn ở vụ thu đông (vụ 2).

Các biện pháp kỹ thuật khác như làm đất, tưới nước, phun xịt thuốc khi có sâu bệnh hại là như nhau hoặc có một số cải tiến về kỹ thuật canh tác và phân bón cho phù hợp với việc áp dụng cơ giới hóa, nhằm giảm giá thành sinh khối ngô.

* Mô hình tại Mộc Châu (Sơn La): Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu ngô thực hiện

- Giống ngô lai của Viện Nghiên cứu ngô: CS71, thời gian từ gieo đến thu hoạch sinh khối 95 - 97 ngày.

- Bón lót: 15.000kg phân chuồng + 200kg Đầu Trâu NPK 20-3-4 Eco-Nanomix (SP của Công ty Cổ phần Bình Điền Ninh Bình – Công ty thành viên trong gia đình phân bón Đầu Trâu)

- Bón thúc: 400kg Đầu Trâu NPK 20-3-4 Eco-Nanomix

(120kg N, 18kg P2O5 và 24kg K2O/ha)

- Kết quả đạt được:

Giống ngô lai CS71 sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, bộ lá xanh bền. Có khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh, hại chính. Năng suất sinh khối cao (đạt 115 tấn/ha), mang lại lãi thuần 64,5 triệu đồng/ha. Đạt hiệu quả cao hơn 22,6% so với sản xuất truyền thống tại địa phương.

Loại phân Đầu Trâu NPK 20-3-4  Eco-Nanomix phù hợp bón cho ngô sinh khối, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, giúp cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, bền cây giúp kéo dài thời gian thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

* Mô hình tại Đắk Lắk: Theo báo cáo do Trạm Nghiên cứu ngô vùng miền Trung Tây Nguyên, thuộc Viện Nghiên cứu ngô thực hiện, được triển khai trên 3 công thức phân bón, với giống ngô lai của Viện Nghiên cứu ngô là LVN66.

Công thức 1: Bón theo tập quán của nông dân, sử dụng phân hữu cơ truyền thống, Ure, DAP và Kali.

Công thức 2:

- Bón lót: Hữu cơ Đầu Trâu đ dụng + Đầu Trâu cân bằng đất + Đầu Trâu tăng trưởng (NPK 19-12-6 +TE)

- Bón thúc: Đầu Trâu chắc hạt (NPK 16-6-19 +TE)

Công thức 3:

- Bón lót: hữu cơ Đầu Trâu đa dụng + Đầu Trâu cân bằng đất + NPK 14-8-6 +TE

- Bón thúc: NPK 14-8-6 +TE

Kết quả:

- Công thức 1 - theo tập quán: Lợi nhuận 43 triệu đồng

- Công thức 2: Lợi nhuận 67,5 triệu đồng (tăng 56,9% so với tập quán).

- Công thức 3: Lợi nhuận 61,3 triệu đồng (tăng 42,5% so với tập quán).

Nhận xét: Với công thức sử dụng Phân bón Đầu Trâu tăng trưởng và Đầu Trâu chắc hạt, lợi nhuận đạt cao nhất (vượt so với tập quán của bà con là 56,9%). Loại phân của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phù hợp bón cho ngô sinh khối, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, giúp cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, bền cây giúp kéo dài thời gian thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây: Cây sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, bộ lá xanh bền, có khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh, hại chính. Năng suất sinh khối đạt từ 87,3 -107,6 tấn/ha, mang lại hiệu quả cao cho bà con trong mô hình.

Theo TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, tác giả của giống ngô lai LVN 66 cho hay, Viện Nghiên cứu Ngô và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đang hợp tác chương trình Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Sơn La và Đắk Lắk. Qua sơ kết vụ hè thu năm 2023 tại 2 địa điểm trên cho thấy, hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường đạt được là rất lớn. Phân bón của Bình Điền cho thấy hiệu quả rõ rệt khi sử dụng trong mô hình.

Giống ngô LVN66 là một trong những giống rất triển vọng của Viện Nghiên cứu Ngô tại khu vực Tây Nguyên. LVN66 có khả năng chống đổ, chịu hạn tốt, thân cây to khỏe, bộ lá xanh bền. Giống có thể sử dụng đa mục đích, vừa lấy sinh khối vừa lấy hạt cho hiệu quả kinh tế cao. Năng suất sinh khối giống LVN66 tại Tây Nguyên trung bình đạt 55-60 tấn/ha. Trong điều kiện thâm canh tốt có thể đạt 80-100 tấn/ha. Giống ngô lai LVN66 trong thời gian tới sẽ được viện phát triển và đưa vào bộ giống chủ lực của khu vực Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi hiện nay".

Cũng theo Ths. Nguyễn Thị Chung, Trưởng phòng Sản xuất và Dịch vụ, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk, việc thực hiện sản xuất ngô sinh khối gắn liền với tiêu thụ sản phẩm làm ra đã tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp địa phương nhằm hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản cho nông dân là một hướng đi mới giúp bà con tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Sản xuất ngô sinh khối gắn với chăn nuôi (từ làm đất, trồng ngô, chăm sóc bò lấy thịt và sữa đến xử lý chất thải và phụ phế phẩm thành phân hữu cơ quay lại bón cho đồng ruộng) đã tạo ra “vòng tuần hoàn xanh” để tái sử dụng năng lượng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau thành công của mô hình, khuyến khích các địa phương khác trong huyện tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu và thực hiện mô hình để tạo vùng liên kết sản xuất hàng hoá mang lại thu nhập kinh tế cao.

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho rằng, các loại phân bón được sử dụng trong mô hình nầy đều có hiệu quả nông học và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để giảm giá thành ngô sinh khối hơn nữa cần tiến tới áp dụng gieo hạt kết hợp với bón lót và bón thúc một lần bằng máy.

Tiến sỹ. Phạm Anh Cường- Trưởng phòng R&D, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền