Triển vọng xoài keo An Phú

02/04/2024 - 06:05

 - An Phú (tỉnh An Giang) là huyện đầu nguồn của tỉnh, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, thuận lợi cho địa phương phát triển cây ăn trái. Thời gian qua, chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái của huyện, trong đó có xoài keo, đã phát huy hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường, xoài keo được xác định là nhóm sản phẩm chủ lực của huyện với giá trị kinh tế cao, được định hướng chuyển đổi mạnh mẽ thời gian qua. Tổng diện tích cây ăn trái của huyện có khoảng 2.061ha, trong đó trồng xoài khoảng 1.860ha, chiếm trên 90% diện tích và tăng dần theo từng năm, tổng sản lượng ước đạt trên 55.000 tấn/năm. Diện tích trồng xoài tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu, Nhơn Hội, Quốc Thái và thị trấn Long Bình…

“Diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp (DN) đạt trên 600ha, gồm 61 mã số vùng trồng và có vùng trồng xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 365ha tại xã Phú Hữu, Khánh An. Ngoài các định hướng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xoài, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị là một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện trong việc thúc đẩy và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm trong thời gian qua” - ông Trang Công Cường nhấn mạnh.

Ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp hỗ trợ nông dân sản xuất, liên kết và tiêu thụ xoài keo

Tuy nhiên, phát triển cây xoài của huyện có một số hạn chế nhất định, như: Quy mô diện tích nhỏ lẻ, phân tán; hệ thống dịch vụ hỗ trợ chưa đáp ứng, nhất là các dịch vụ cung ứng về giống chất lượng, kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất, chứng nhận, khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (đường giao thông, khu xử lý, chế biến trái cây chưa đảm bảo…) dẫn tới tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, vận chuyển vật tư sản xuất gặp khó khăn, chi phí tiếp cận thị trường cao hơn so nơi khác. Sản xuất của nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, mức độ tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật mới còn hạn chế; thói quen sản xuất thâm canh, hình thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ…

Với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tổ chức quốc tế, trong đó có dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” (GIC) tại Việt Nam về “Nâng cao chuỗi giá trị xoài tại ĐBSCL”… UBND huyện An Phú chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển vùng sản xuất xoài, tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng…, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường.

Huyện có 2 vùng sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Khánh An và Phú Hữu, diện tích 354ha. Huyện đã cấp 61 mã số vùng trồng trên xoài keo xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm xoài keo của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Bình được công nhận đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao từ năm 2021 đến nay.

UBND huyện An Phú vừa công bố xuất khẩu lô xoài keo sang Hàn Quốc; ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ xoài keo giữa UBND huyện An Phú với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Theo đó, 18 tấn xoài keo xuất sang thị trường Hàn Quốc, được HTX Nông nghiệp Long Bình ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit.

Ngoài ra, HTX còn liên kết Công ty Antesco trong việc tạo vùng nguyên liệu xoài keo phục vụ chế biến. Qua đó, nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm xoài theo chuỗi giá trị, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường có lợi thế cạnh tranh cao thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ và luôn đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết... 

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Bình Huỳnh Thanh Minh phấn khởi: “Chúng tôi mong chờ sự kiện này lâu rồi, vừa bán được xoài chất lượng, vừa thỏa thuận được giá, chúng tôi rất hài lòng với giá này. Sự kiện này giúp bà con có động lực hướng tới sản xuất sản phẩm chất lượng hơn”.

Anh Nguyễn Văn Bình (thành viên liên kết sản xuất xoài keo) cho biết: “Năm 2017, tôi tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp Long Bình. Mặc dù, có nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nhưng tôi được HTX động viên vượt khó để sản xuất, nên mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho vườn xoài. Tôi sẽ tiếp tục canh tác đảm bảo theo quy trình sản xuất - tiêu thụ xoài keo bền vững, để cung ứng sản phẩm chất lượng cho các thị trường khó tính”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh: “Huyện An Phú có diện tích trồng xoài đứng thứ 2 trong tỉnh, sau huyện Chợ Mới. Ngoài định hướng hỗ trợ kỹ thuật, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Sở sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương, DN phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững. Đề nghị UBND huyện An Phú tiếp tục mời gọi các DN tham gia liên kết - tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn. Thành viên HTX, nông dân liên kết mạnh mẽ với DN để yên tâm sản xuất được mùa, được giá”.

“UBND huyện An Phú sẽ tạo môi trường thuận lợi, có các chính sách hỗ trợ DN, HTX và người dân sản xuất, sơ chế và thương mại sản phẩm xoài. Đẩy mạnh hỗ trợ việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững, tiếp tục phát huy vùng sản xuất hiện có, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường nhấn mạnh.

HỮU HUYNH