Trồng dâu da xanh kết hợp dịch vụ tham quan

21/04/2021 - 03:35

 - Từ diện tích đất trồng cỏ nuôi bò, gia đình chị Trần Thị Hồng Nhung (ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) quyết tâm chuyển đổi sang mô hình trồng dâu da xanh kết hợp các loại cây lâu năm, như: chanh, mít Thái, bưởi, cà na Thái, đồng thời kết hợp đón khách du lịch đến tham quan. Mô hình này bước đầu giúp gia đình chị kiếm được thu nhập khả quan.

Vườn dâu da xanh của gia đình chị Trần Thị Hồng Nhung đang bước vào tuổi thứ 8 và chuẩn bị thu hoạch đợt trái thứ 3. Năm nay, nhờ tình hình thời tiết khá thuận lợi nên cây trồng cho năng suất cao, chất lượng trái ổn định. Chị Nhung cho biết, với diện tích trên 20.000m2, gia đình chị trồng trên 100 gốc dâu da xanh. Bên cạnh đó, chị còn trồng thêm các loại cây trồng khác, như: bưởi, chanh, mít Thái, cà na Thái… để tạo thu nhập dàn trải cho gia đình.

“Phần diện tích đất này trước đây ba tôi trồng cỏ, nuôi bò. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức khỏe của ông không đảm bảo nên gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng các loại cây ăn trái để thu lợi nhuận cao hơn. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, gia đình tôi quyết định trồng dâu da xanh cùng nhiều loại cây trồng khác để nâng cao thu nhập cho gia đình” - chị Nhung chia sẻ.

“Vườn dâu 9 Hoàng” đang trở thành điểm tham quan thú vị cho du khách

Dâu da xanh là loại trái có vỏ màu xanh đậm, dày, bên trong thịt màu trắng đục và có hạt. Kỹ thuật trồng cây dâu da xanh tương đối dễ, vì đây là loại cây trồng lâu năm thích nghi trên mọi vùng đất. Tuy nhiên, nếu muốn cây dâu kéo dài tuổi thọ, phát triển và cho năng suất cao, người trồng phải đảm bảo đủ nước tưới và thời gian chăm sóc cho cây. Dâu xanh càng lâu năm, cây càng cao lớn, cho trái nhiều và có vị thơm, ngọt hơn. Khi dâu còn nhỏ thì màu xanh đậm nhưng đến khi thu hoạch dần chuyển sang màu xanh sáng, tạo sự thu hút và bắt mắt hơn.

Bên cạnh đó, trồng dâu cũng nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh gây hại nên chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, trên cây có một số loại dịch bệnh gây hại, chủ yếu là rệp sáp, đối tượng này dễ phòng trị, khi phát hiện có rệp sáp đeo bám trên trái dâu nông dân chỉ cần phun thuốc phòng trừ.

Thường vào tháng 2 (âm lịch) dâu xanh sẽ bắt đầu đậu trái, đến tháng 4 thì chín cho đến hết tháng 7, có khi kéo dài đến tháng 8. Vụ vừa rồi, gia đình chị Nhung thu hoạch và bán trái tại chợ Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn), tuy năng suất không cao nhưng đã mang về cho gia đình chị lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2020, ngoài bán trái dâu tại các chợ trên địa bàn huyện Thoại Sơn, gia đình chị Nhung còn phát triển thêm dịch vụ, cho du khách tham quan khu vườn và hái trái. Do đây là vườn dâu da xanh đầu tiên trên địa bàn huyện Thoại Sơn nên thu hút khá đông các bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh. Những cây dâu trĩu trái xanh mướt, từng chùm trái chín mọng đong đưa theo từng cơn gió là đặc trưng thu hút sự thích thú của du khách.

Ngoài dâu da xanh, chị Nhung còn trồng thêm nhiều loại cây trồng khác để phát triển kinh tế gia đình

Chị Nhung chia sẻ: “Các bạn trẻ rất thích khi đến đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm và thưởng thức hương vị trái dâu xanh ngay tại vườn. Năm nay, chúng tôi áp dụng mức vé 30.000 đồng/người, thu hút khá đông du khách. Khi đến đây, du khách có thể mua dâu để mang về làm quà cho người thân” - chị Nhung thông tin thêm.

Mặc dù còn khoảng 2 tuần nữa dâu mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng hiện nay “Vườn dâu 9 Hoàng” của gia đình chị Nhung đã bắt đầu mở cửa đón khách. Để tạo điều kiện cho du khách tham quan, gia đình chị Nhung trồng thêm sen dưới ao để tạo cảnh quan cho du khách chụp ảnh, đồng thời qua đó góp phần cải thiện thêm nguồn thu nhập của gia đình từ việc bán gương sen cho du khách có nhu cầu.

Ngoài cây dâu da xanh, gia đình chị còn có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán chanh, mít Thái… Chị Nhung chia sẻ: “Cách 15-20 ngày, gia đình thôi thu hoạch chanh bán cho thương lái, mỗi đợt thu hoạch từ vài chục đến khoảng 100kg. Nhờ nguồn cây trái này đã giúp gia đình tôi có được thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn. Ngoài chanh, diện tích trồng cây mít Thái cũng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình” - chị Nhung vui mừng chia sẻ.

Thực tiễn cho thấy, mô hình trồng cây ăn trái kết hợp du lịch trải nghiệm vừa có giá trị kinh tế cao, vừa phát triển thành các điểm tham quan du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút du khách đến trải nghiệm. Dự định thời gian tới, chị Trần Thị Hồng Nhung sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để phục vụ nhu cầu của du khách cũng như cải thiện thu nhập cho gia đình.

ĐỨC TOÀN