Trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng

19/04/2023 - 05:18

 - Thời gian qua, nông dân trên địa bàn An Giang đầu tư phát triển nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp nông sản sạch đến người tiêu dùng. Điển hình trong số đó là mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong hơn 6.000m2 nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của nông dân Hồ Tấn Phong (TP. Châu Đốc), mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Tấn Phong cho biết, trái dưa lê, dưa lưới được trồng trong nhà màng theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên được xem là sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Trái dưa được chăm sóc kỹ lưỡng nên cân nặng và chất lượng luôn đồng đều, có màu sắc đẹp, giòn, có vị ngọt thanh, thơm và giá trị dinh dưỡng cao, bảo quản được lâu.

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, năm 2013, ông Phong chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả lên vườn, mạnh dạn xây dựng nhà màng rộng 1.000m2 trồng dưa lê, dưa lưới theo hướng ứng dụng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là trong dịp Tết.

Sau thời gian canh tác, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, ông Phong tiếp tục mở rộng thêm diện tích nhà màng. Đến nay, gia đình ông đang sở hữu 4 nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tổng diện tích khoảng 6.000m2.

Dưa lưới đang chuẩn bị thu hoạch

Ông Phong cho biết, hệ thống nhà màng công nghệ cao được xây dựng bằng sắt thép chắc chắn, phủ kín bằng màng lưới. Mỗi cây dưa được trồng trong một bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và chỉ để ra 1 trái duy nhất.

Sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón phù hợp nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng.

Ông Phong cho áp dụng kỹ thuật thụ phấn bằng ong mật. Các thùng ong mật được chuẩn bị trước, đến giai đoạn hoa nở rộ thì thả ong mật ra trong vài ngày là đảm bảo thụ phấn toàn bộ diện tích, đạt chất lượng cao.

Người nông dân này cho biết, do cây dưa lê, dưa lưới được trồng trong nhà màng và đặt trong luống lót bạt nhựa, cách ly với nền đất và môi trường bên ngoài nên tránh mầm bệnh xâm nhập, ứng phó tốt trước tình hình thời tiết thay đổi bất thường.

Nhờ đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel, hàng ngày, ông Phong chỉ cần pha trộn phân bón theo tỷ lệ thích hợp, bật công tắc, hệ thống sẽ tự động dẫn chất dinh dưỡng đến từng gốc cây, giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm phân bón, nước mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của cây theo từng giai đoạn, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, tạo ra quy trình sản xuất nông sản sạch, bảo đảm sức khỏe cho người trồng lẫn người tiêu dùng.

Dưa lê đang phát triển tốt

Tuy nhiên, ông Phong cho biết, việc trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn; đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phải luôn tuân thủ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, giá thể cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi thu hoạch.

"Đây là loại cây ngắn ngày nên chỉ cần chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, cây sẽ phát triển tốt. Trung bình mỗi nhà màng 1.000m2, đặt được 3.000 giá thể, tương đương với 3.000 cây dưa. Sau khoảng 3 tháng trồng và chăm sóc, có thể thu hoạch khoảng 3 tấn trái/nhà màng (trọng lượng trung bình 1kg/trái). Một năm có thể trồng được 3 vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Với giá bán từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 30% trên tổng thu nhập” - ông Phong chia sẻ.

Đặc biệt, nhờ chọn trồng luân vụ nên khoảng ngày 8 - 15 (âm lịch) hàng tháng, vườn dưa lê, dưa lưới của gia đình luôn cho thu hoạch trái để bán cho người tiêu dùng. Khi vườn có trái, ông Phong sẵn sàng mở cửa miễn phí để khách tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu quy trình trồng dưa lê, dưa lưới sạch của gia đình và mua sản phẩm do du khách tự hái.

Vườn dưa lê, dưa lưới của gia đình ông Phong có chất lượng trái đồng đều, ngon, ngọt, được khách hàng ưa chuộng nên vụ nào ông cũng bán được giá. Nhiều năm nay, kinh tế của gia đình ông Phong ổn định và phát triển sung túc hơn trước. Mô hình này còn góp phần tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, tham gia các công việc hàng ngày tại các nhà màng với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng của ông Hồ Tấn Phong là điểm đến để các nông dân trong và ngoài địa phương tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau sản xuất hiệu quả. Mô hình góp phần thay đổi tư duy của người dân từ canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu của thị trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

 

TRỌNG TÍN