Mận được bao bọc trong mùng lưới, nên tránh được sâu hại
5 năm trước, anh Đỗ Hất Ô (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là nông dân đầu tiên ở địa phương phát triển mô hình “Giăng mùng lưới cho cây mận”, chuyển đất ruộng trồng lúa lên vườn cây ăn trái. Anh Ô học hỏi kinh nghiệm mô hình từ quê nội của mình - cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Ban đầu, anh chuyển đổi 1ha lên liếp trồng 2 giống mận (An Phước và hồng đào đá). Thấy hiệu quả kinh tế, anh Ô tiếp tục mở rộng thêm 1ha, cũng canh tác 2 loại mận này.
Đối với nông dân trồng cây ăn trái, nhất là cây mận, sợ nhất là ruồi vàng gây hại. Nếu không có biện pháp xử lý, bị loài này tấn công xem như thiệt hại nặng nề. Trước đây, đa phần nông dân chọn cách phun thuốc trừ sâu, hoặc thuê nhân công bọc từng trái mận… Tuy nhiên, cách làm này tốn nhiều chi phí, thời gian, không phát huy hiệu quả. Còn kỹ thuật giăng mùng lưới cho toàn bộ vườn mận sẽ tránh được sự tấn công của ruồi vàng và nhiều loài côn trùng gây hại khác, giảm chi phí phun xịt thuốc trừ rầy.
Bắt đầu giăng mùng lưới cho vườn mận cũng là lúc anh Ô định hướng canh tác nông sản hữu cơ, tạo ra trái mận sạch cho người tiêu dùng. Chi phí ban đầu để lên liếp, mua cây giống, đầu tư lưới làm mùng lớn… rất lớn. Dù vậy, vợ chồng anh vẫn quyết định đầu tư. Trong quá trình canh tác, anh Ô sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học thay cho phân bón hóa học, thời gian cách ly luôn đảm bảo… Chất lượng mận được người tiêu dùng đánh giá cao: Ngon, ngọt, giòn và chắc thịt.
Theo anh Ô, nếu được chăm sóc tốt, cây mận An Phước có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm. Vừa thu hoạch xong đợt này là trong thân cây mận đã mang hoa, sẵn sàng cho vụ tiếp theo. “Nếu so về hiệu quả, mận An Phước cho hiệu quả hơn mận đào đá cả về năng suất, giá cả. Tuy nhiên, nếu giá cả ổn định, cả 2 loại mận này đều giúp nông dân đạt lợi nhuận” - anh Ô giải thích.
Hiện tại, vườn mận của anh Ô đang vào mùa thu hoạch. Ngoài việc bán tại vườn cho thương lái, anh Ô còn chở xuống chợ đầu mối Long Xuyên để trực tiếp chào bán. Vì mận ngon, chất lượng nên giá bán ổn định hơn rất nhiều. So với những năm trước, thời điểm hiện nay giá mận có phần thấp hơn, dao động khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, một phần vì mận đang vào mùa nên sản lượng nhiều. Mận có giá nhất là vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 (âm lịch), thời điểm mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng, nên giá cả sẽ cao hơn các thời vụ khác trong năm.
“Trồng mận không khó, nhưng để có hiệu quả, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật và kinh nghiệm. Cây mận ra trái rất nhiều, từ trong thân ra tới ngoài cành. Nhưng để trái lớn thì phải lặt một phần trái bỏ đi, chỉ chừa lại một phần, cây mới đủ sức nuôi trái. Ngoài ra, phải lấy dây treo cành, phòng hờ khi trái lớn, không bị gãy nhánh. Những việc nhỏ như vậy, nếu để ý khắc phục sẽ giúp đảm bảo năng suất. Bên cạnh đó, khâu xử lý ra hoa, đậu trái, dinh dưỡng cân đối cho trái có màu đẹp, chắc thịt và ngọt hết sức quan trọng. Chỉ như vậy, mận mới được thị trường đón nhận, bán được giá” - anh Ô chia sẻ thêm.
Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác mô hình hữu cơ, nhằm tạo ra nông sản sạch, an toàn. Tuy nhiên, để giá cả ổn định hơn, không bị thương lái ép giá, nông dân vẫn rất cần kết nối về thị trường. Khi đó, bà con chỉ chuyên tâm chăm sóc vườn cây ăn trái thật chất lượng, không phải lo lắng câu chuyện “được mùa, mất giá”.
Để được như vậy, vẫn rất cần sự đồng hành, ủng hộ từ người tiêu dùng. Vì khi bỏ qua tâm lý chọn lựa về giá, quan tâm nhiều hơn về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Đây cũng là động lực giúp các loại nông sản sạch, hữu cơ, an toàn dần thay thế sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.
Thấy mô hình trồng mận của anh Ô hiệu quả, một số nông dân địa phương đến tham quan, học hỏi và triển khai trên mảnh đất của gia đình. Đến nay, xã Vĩnh Lợi thành lập Tổ trồng mận hữu cơ ấp Hòa Lợi 3, với sự tham gia của 5 nông dân. Diện tích đất trồng khoảng 4ha, do anh Đỗ Hất Ô làm tổ trưởng, canh tác chủ yếu là mận An Phước và hồng đào đá. |
ÁNH NGUYÊN