Trồng măng tây hiệu quả kinh tế cao

17/04/2019 - 07:52

 - Mô hình trồng măng tây đã được triển khai vào giữa năm 2018 tại một số nơi trên địa bàn huyện Châu Phú, đến nay đã thu hoạch. Nhận thấy mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân bắt đầu đăng ký mở rộng diện tích sản xuất loại cây này.

Trên diện tích khoảng 1.000m2 trồng măng tây, mỗi ngày ông Kiều Minh Thành (ấp Bình Thới, xã Bình Thủy) thu hoạch từ 15-19kg măng tây xanh. Ông Thành cho biết: “Hạt giống măng tây sau khi ươm trong bầu khoảng hơn 2 tháng là có thể trồng xuống đất, sau 5-6 tháng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Trong thời gian chờ thu hoạch tôi tận dụng đất trống ở chân cây trồng xen ngò rí, xà lách, hành… để lấy ngắn nuôi dài. Măng tây là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng không khó chăm sóc, chỉ cần làm đúng kỹ thuật của ngành chuyên môn hướng dẫn như: bón phân, phun thuốc đúng thời gian, liều lượng, măng tây sẽ phát triển tốt. Hiện nay, sản phẩm măng tây của tôi được Công ty Gapfood ký hợp đồng tiêu thụ với giá 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày tôi thu được từ 600.000 - 800.000 đồng”.

Để cây măng tây phát triển hiệu quả, ông Thành coi trọng việc ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc cây. “Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú hướng dẫn, tôi lắp đặt hệ thống tưới tự động, điều khiển bằng điện thoại thông minh. Các đường ống nước được lắp đặt ngay dưới những gốc măng, thông qua điện thoại thông minh là có thể khởi động được hệ thống phun tưới. Công nghệ phun, tưới này không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian, thuận lợi hơn trong việc chăm sóc măng tây mà lượng nước của hệ thống đưa đến các cây cũng liên tục, thấm đều hơn, giúp cây sinh trưởng tốt, phát triển ổn định”- ông Thành chia sẻ.

Xác định măng tây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường đang có nhu cầu lớn, có thể giúp tăng thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã vận động các nông dân có kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật nhằm nhân rộng và phát triển mô hình trồng măng tây. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Vì măng tây là loại cây trồng tương đối mới với nông dân trên địa bàn huyện, nên chúng tôi luôn theo sát để hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con canh tác đúng quy trình, đạt hiệu quả. Ngành nông nghiệp huyện luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, cũng như tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế măng tây mang lại, mới đây, Hợp tác xã Lợi Phát (xã Bình Thủy) đã thuê 1,5ha đất để trồng măng tây xanh theo định hướng hữu cơ và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Gapfood. Hiện nay, hợp tác xã đang xử lý đất để canh tác măng tây. Ngoài ra, hợp tác xã còn nhận cung cấp cây giống măng tây xanh (ươm khoảng 2 tháng tuổi) cho người dân có nhu cầu, với giá bán 6.000 đồng/cây. Không chỉ các hợp tác xã mở rộng diện tích trồng măng tây, nhiều hộ dân ngoài hợp tác xã đã đăng ký mở rộng thêm 1,2ha diện tích trồng loại cây này.

Măng tây là loại cây chỉ trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch kéo dài từ 5 đến 7 năm, sản lượng cao nhất thường tập trung từ năm thứ 3 đến năm thứ 5; năm thứ 6 đến năm thứ 7 năng suất và chất lượng măng bắt đầu giảm, khi đó nông dân có thể phá bỏ cây cũ để trồng mới.

 

MỸ LINH