Trồng măng tây xanh ở Long Xuyên

25/03/2020 - 05:30

 - “Đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thời gian thu hoạch kéo dài, đầu ra ổn định và lợi nhuận kinh tế cao…” là những đúc kết của anh Ngô Hải Phương (khóm Trung Thạnh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) về mô hình trồng măng tây xanh của gia đình.

Hướng đi mới

Trước đây, kinh tế gia đình anh Ngô Hải Phương chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa. Tuy nhiên, nhận thấy việc trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, do những biến đổi thất thường của thời tiết. Thêm vào đó là tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, anh Phương quyết định thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp, từng bước giúp cuộc sống gia đình cải thiện hơn.

Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất và nhiều đối tượng cây trồng, năm 2019, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên, anh Phương được giới thiệu mô hình trồng măng tây xanh của nông dân xã Bình Thủy (Châu Phú). Nhận thấy đây là mô hình hay, phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình nên anh quyết định chuyển sang trồng cây măng tây, lên liếp, xây dựng mô hình trên diện tích 2.000m2.

Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây xanh sinh trưởng và phát triển tốt. Để cây phát triển, trong quá trình chăm sóc, anh Phương chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ được xử lý với chế phẩm sinh học tricoderma để bón cho cây. Bên cạnh đó, anh Phương áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, đây là hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đồng thời tiết kiệm công tưới…

Trong quá trình canh tác, anh thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa cây già yếu hoặc bị sâu bệnh để tránh lây sang cây khỏe mạnh. Về sâu bệnh phá hoại, anh Phương cho biết, trên cây măng tây xanh chỉ có sâu đục thân gây hại, tuy nhiên đối tượng này rất dễ quản lý nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Do ít sâu bệnh nên trồng măng tây xanh ít tốn công chăm sóc, bón phân, ít phải phun thuốc. Tuy mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng có giá trị kinh tế cao và thời gian cho thu hoạch dài hơn.

“Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 công đất khoảng 35 triệu đồng. Sau 6 tháng gieo trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, cây măng tây xanh sẽ cho thu hoạch kéo dài từ 7-10 năm. Thông thường, cây sẽ cho thu hoạch măng liên tục trong vòng 3-4 tháng, nghỉ 1 tháng để dưỡng cây. Lúc này, chỉ cần cắt ngang gốc, phủ rơm tưới nước đầy đủ, sau 1 tháng có thể tiếp tục thu hoạch” - anh Phương chia sẻ.

Trồng măng tây xanh ở Long Xuyên

Trồng măng tây xanh mở ra hướng đi mới cho nông dân

Hiệu quả kinh tế cao

Thời gian gần đây, cây măng tây xanh được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi giá trị dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm thơm ngon. Chính nhờ những ưu điểm vượt trội của cây măng tây xanh đã giúp gia đình anh Ngô Hải Phương có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Giống như nhiều loại cây trồng khác, thời gian đầu do chưa có thị trường, người tiêu dùng chưa biết đến nên sản phẩm trồng ra rất khó bán.

Anh Phương chia sẻ: “Trước đây, nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm măng tây, nên rất khó bán. Để bán được măng tây ra thị trường, gia đình tôi phải gửi sản phẩm cho các tiểu thương ở chợ, nhờ họ giới thiệu và bán giúp, mỗi nơi một ít, nếu bán được thì lấy tiền, không bán được thì gửi tặng để họ sử dụng và giới thiệu sản phẩm”.

Nhờ cách làm này mà cây măng tây xanh của gia đình của anh Phương hiện nay đã có mặt ở hầu hết các chợ ở địa bàn TP. Long Xuyên, cũng như đã “xuất hiện” ở một vài nhà hàng ăn uống. “Mỗi ngày, tôi thu hoạch từ 30kg măng tây trở lên, tôi bán cho bạn hàng với giá 65.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày” - anh Phương chia sẻ.

Măng tây xanh của anh Phương thường được hái vào thời gian từ 4 giờ sáng, nên giữ được độ tươi ngon. Trong quá trình trồng và chăm sóc, do anh Phương không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đây còn là sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, với diện tích trồng măng tây của gia đình, anh Phương còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng người/ngày, thông qua việc thu hoạch măng tây xanh và phụ giúp các công đoạn khác.

Do tính hiệu quả từ cây măng tây xanh mang lại, dự kiến thời gian tới anh Phương sẽ mở rộng diện tích đất để tập trung sản xuất loại cây trồng này, nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định hơn cho gia đình.

Với hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cây măng tây xanh đã và đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân, nhằm thay thế những cây trồng, rau màu kém hiệu quả, nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân trên cùng một đơn vị diện tích đất.

ĐỨC TOÀN

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại măng tây: xanh, trắng, tím. Tuy nhiên, cây măng tây xanh được nông dân trong tỉnh trồng nhiều nhất bởi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giá trị kinh tế cao; cùng với đó là đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá cả ổn định.