Trồng nấm rơm công nghệ cao

07/09/2022 - 07:28

 - Vẫn là trồng nấm rơm trong nhà, tận dụng nguồn phụ phẩm rơm, rạ sau thu hoạch lúa, nhưng vợ chồng trẻ Nguyễn Hoàng Ngọc Yến và Trần Tấn Tài (ngụ xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) dành nhiều thời gian tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật mới, đầu tư công nghệ hiện đại để phát huy tối đa hiệu quả. Nhờ vậy, người trồng nấm rơm nhẹ công chăm sóc, rút ngắn thời gian trồng, có thể quay vòng nhiều vụ trong năm.

Những năm trước, sau khi đi nhiều nơi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, họ quyết định về quê, phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà với kỹ thuật của riêng mình. Lúc bấy giờ, trại nấm được thiết kế theo dạng trụ, tổng diện tích 135m2. Thay vì áp dụng cách làm truyền thống, cả 2 sử dụng tro phủ lên trên, giữ ẩm cho bề mặt mô nấm. Tro làm tăng khả năng đề kháng, giảm tỷ lệ nấm chết non, kích thích tạo quả thể nhanh, nhiều và đồng đều. Nhờ vậy, đã rút ngắn thời gian trồng xuống chỉ còn từ 20-22 ngày/vụ (so với thông thường, phải cần từ 30-40 ngày), đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí hơn.

Phương pháp canh tác mới này giúp anh Tài, chị Yến có thể sản xuất 15-16 vụ/năm; thời gian thu hoạch kéo dài 3-4 ngày/đợt. Khi thu hoạch hết đợt 1, có thể tiến hành tưới kích đợt 2, 3. Mỗi ngày, họ thu hoạch khoảng 12-15kg nấm, bán chủ yếu cho thương lái địa phương. Giá mặt hàng này bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên đến 80.000-90.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. Tai nấm to, đồng đều, màu sắc tươi; ăn ngon, ngọt hơn so với trồng nấm ngoài trời, đặc biệt có thể bảo quản được lâu, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao

Thấy hiệu quả mang lại của mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng kỹ thuật mới, vợ chồng anh Tài đầu tư thêm nhà trồng nấm với diện tích 200m2, chia làm 3 nhà trồng với 6 vách ngăn. Cách làm này giúp quản lý, kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ và nấm bệnh khác.

Trong trại nấm mới, thay vì thiết kế theo dạng trụ, 2 vợ chồng thống nhất đầu tư dạng kệ, trang bị tủ điện điều khiển nhiệt độ và ẩm độ tự động (được đặt ở bên ngoài nhà trồng). Cấu tạo của tủ điện điều khiển tự động gồm 3 phần: Đồng hồ hiển thị nhiệt độ (3 cái), đồng hồ hiển thị độ ẩm (đi kèm máy phun sương siêu âm), timers hẹn giờ (3 cái). Trong đó, mỗi bộ phận sẽ thực hiện một nhiệm vụ khác nhau.

“Chẳng hạn, khi nhiệt độ bên trong nhà trồng tăng cao so với thông số cài đặt của đồng hồ hiển thị nhiệt độ, hệ thống làm mát sẽ tự động chạy để giải nhiệt. Cho đến khi nhiệt độ giảm xuống bằng với thông số cài đặt, hệ thống sẽ tự động ngắt. Tương tự, khi độ ẩm bên trong nhà trồng giảm xuống mức thấp hơn so với thông số cài đặt trên đồng hồ hiển thị độ ẩm, máy phun sương siêu âm sẽ tự động chạy để cung cấp độ ẩm. Khi độ ẩm trong nhà trồng đạt được thông số như đã cài đặt, máy sẽ tự động ngắt. Còn thiết bị timers hẹn giờ có nhiệm vụ điều khiển quạt hút. Tùy vào từng thời điểm, quạt hút có chế độ chạy khác nhau để trao đổi ô-xy, đồng thời giải nhiệt bên trong nhà nấm” - Ngọc Yến giải thích.

Trồng nấm rơm trong nhà theo hướng ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Trần Tấn Tài và chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời. Nổi bật là chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, tiết kiệm diện tích chất mô, không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời.

Ngoài ra, sau vụ thu hoạch, việc dọn dẹp trụ rơm trồng nấm dễ dàng, thu hoạch nấm cũng thuận tiện. Nấm trồng trụ nên mọc ra phía bên ngoài, người sản xuất nhẹ nhàng hái nấm ra khỏi trụ rơm, không phải tốn công vạch rơm tìm nấm như cách trồng truyền thống; nấm rơm trắng tinh, ăn có mùi thơm và vị ngọt thanh…

Mô hình còn góp phần cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng; mang lại hiệu quả cao về kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt đối với hộ có ít đất canh tác. Đồng thời, giúp vệ sinh môi trường đồng ruộng, hạn chế việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho hoa màu và cải tạo đất, góp phần tích cực vào chu trình chuyển hóa vật chất. Lượng phụ phẩm từ mô hình trồng nấm rơm còn được vợ chồng anh Tài lên ý tưởng tận dụng để phát triển thành giá thể trồng dưa lưới trong nhà màng. Với cách làm này, có thể tận dụng tối đa nguồn lợi thu được từ phụ phẩm nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín từ nguyên liệu sẵn có.

Để hiện thực hóa ý tưởng, anh Tài và chị Yến trồng thử nghiệm dưa lưới từ phụ phẩm thu được, hiệu quả rất khả quan. Hiện nay, đôi vợ chồng trẻ này đang cố gắng tích lũy vốn để có thể mở rộng mô hình trong thời gian sớm nhất. Dự án “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín từ nguồn nguyên liệu sẵn có” của chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến và anh Trần Tấn Tài đã vượt qua sơ khảo, vào vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh lần thứ VI/2022.

ÁNH NGUYÊN - ĐỨC TOÀN