Trồng sầu riêng trên đất lúa kém hiệu quả

22/05/2024 - 06:13

 - Sau 5 năm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây sầu riêng, ông Phạm Minh Hưởng (sinh năm 1961, ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đang hưởng thành quả sau bao ngày vun trồng cực nhọc.

Cây sầu riêng khá khó tính nhưng nắm vững kỹ thuật sẽ cho năng suất, thu nhập cao

Dẫn chúng tôi thăm vườn sầu riêng sai trái, đang bước vào giai đoạn thu hoạch, ông Hưởng không giấu được niềm phấn khởi sau thời gian dài bỏ công chăm sóc. Chuyển hẳn từ 6 công đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, ông Hưởng vốn có kinh nghiệm trồng cây ăn trái nên không quá lo lắng.

Ông Hưởng cho biết: “Tôi trồng 120 gốc sầu riêng Thái, xen canh hơn 10 gốc sầu riêng Ri 6. Mỗi giống sầu riêng đều có ưu, nhược điểm riêng biệt. Song, đặc tính chung của sầu riêng vẫn là loại cây ăn trái “đỏng đảnh”, “nắng không ưa”, mưa nhiều quá cũng không chịu”.

Sầu riêng Ri 6 có tỷ lệ đậu trái rất cao, còn sầu riêng Thái có tỷ lệ đậu trái thấp hơn nhưng bù lại, giá thành cao hơn. “Sầu riêng là giống cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Đây là giống cây càng lâu năm càng cho sản lượng nhiều. Để đạt sản lượng cao, cây sầu riêng cần rất nhiều tiêu chí, từ việc chọn giống cây chuẩn cho đến việc trồng đúng kỹ thuật. Vườn trồng sầu riêng phải đảm bảo yêu cầu thoát nước tốt trong mùa mưa, thông thoáng nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại và chống tình trạng xói mòn đất để giữ độ phì nhiêu, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao” - ông Hưởng chia sẻ.

Cụm hoa sầu riêng treo trên cành cây và theo từng chùm, mỗi chùm từ 1 - 15 hoa. Mùi hoa sầu riêng rất nồng và mạnh. Hoa mọc thành chùm lưỡng tính có nụ hoa tròn. Cây không tự thụ phấn, phải nhờ đến ngoại lực tác động, như: Gió, côn trùng và bàn tay nhà vườn. Theo ông Hưởng, chỉ riêng công đoạn thụ phấn cho cây cũng mất nhiều thời gian và cực công. Dù dụng tâm để cây ra trái theo số lượng mình mong muốn nhưng tháng 4 năm nay, nắng nóng khắc nghiệt khiến trái non rụng nhiều làm giảm năng suất.

Chia sẻ kỹ thuật trồng cây sầu riêng, ông Hưởng không ngần ngại cho biết: “Cây sầu riêng phải được trồng trên mô đất cao để dễ thoát nước. Mùa nắng, nên trồng thêm cỏ xung quanh cây sầu riêng để giúp giữ độ ẩm cho cây. Mùa mưa thì phát quang, dọn cỏ trong vườn, tạo sự thông thoáng giúp cây phát triển tốt.

Hiện, ông Hưởng ứng dụng công nghệ phun tưới tự động nên tiết kiệm chi phí. Ngoài điều kiện đất đai, ánh sáng, gió, nguồn nước, nhiệt độ… để cây sầu riêng phát triển đạt năng suất, gia tăng kinh tế, người trồng cần phải nắm rõ kỹ thuật khi nào cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây sầu riêng”.

Ở giai đoạn còn nhỏ, cây sầu riêng cần nhiều chất đạm để sinh trưởng và phát triển. Nhưng ở giai đoạn kết quả, cây sầu riêng cần nhiều chất, nhất là Kali để tập trung cho quá trình ra hoa, kết quả. “Để cây sầu riêng có thể đậu quả, cho năng suất cao, trong quá trình chọn cây giống nên lựa chọn cây mẹ đạt năng suất, phẩm chất tốt. Những loại cây này thường ít sâu bệnh và có tỷ lệ đậu trái ổn định trong vòng 5 năm. Sầu riêng mất khoảng 5 năm sẽ cho ra hoa, kết quả. Thời gian để thu hoạch quả thường kéo dài từ 15 - 17 tuần khi nở hoa. Trong khoảng 2 tuần thì trái sầu riêng chín, có thể thu hoạch” - ông Hưởng cặn kẽ chia sẻ.

Khi cây bắt đầu cho trái chiến, mỗi cây nên xử lý còn từ 20 - 35 trái. Những vụ tiếp theo tăng số lượng lên (tùy vào chất lượng cây có thể để từ 50 - 60 trái/cây). Sầu riêng kết trái đến khi thu hoạch thời gian này, ông Hưởng phải túc trực chăm sóc vườn, làm cỏ, bón phân, theo dõi số lượng, chất lượng trái, phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời. Do sầu riêng là loại cây khó tính, ưa đất phù sa, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Cây cũng có một số bệnh đặc trưng, như: Xì mủ, cháy lá, sâu đục thân. Do đó, nhà vườn vừa phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, vừa phải tỉ mỉ trong khâu chăm sóc.

Với 120 gốc chủ yếu là sầu riêng Thái, vụ đầu tiên, với hơn 2 tấn sầu riêng (trái chiến), ông Hưởng bán được 200 triệu đồng. Năm nay, ông Hưởng bước vào vụ thu hoạch thứ 2. Do thời tiết không thuận lợi (nắng nóng gay gắt, cây bị cháy lá nên tự bỏ trái), dự kiến chỉ bán trên 3 tấn trái, với số tiền trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hưởng an ủi vì giá thương lái thu mua sầu riêng Thái khá cao (khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg).

Ông Phan Đình Vũ (cán bộ khuyến nông xã Thoại Giang) cho biết: “Thu hoạch sầu riêng xong, nhà vườn cần cắt cành, bón phân, xịt thuốc, dưỡng cây, bơm bùn nhằm tạo bộ rễ mới nuôi lá xanh tốt lại, “đến hẹn” xử lý cho cây ra trái. Kỹ thuật dưỡng cây sau thu hoạch rất quan trọng, giúp cây cho năng suất cao vào vụ mùa sau. Kỹ thuật trồng chỉ chiếm 30%, thời tiết quyết định đến 70% thành bại khi trồng sầu riêng. Đây là loài cây ăn trái “vua”, dù khá “đỏng đảnh” nhưng nắm kỹ thuật chăm sóc tốt, sẽ cho thu nhập rất khá, vượt xa nhiều loại cây trồng khác trên cùng một diện tích đất. Ông Hưởng cũng là người tiên phong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, hiện vườn đang phát triển khá tốt”.

PHƯƠNG LAN