Tuần làm việc thứ 2: Quốc hội tập trung công tác xây dựng luật pháp

03/06/2018 - 15:32

Các vấn đề về kinh tế - xã hội như công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước... được thảo luận sôi nổi, thẳng thắn

Với nhiệm vụ trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật, trong tuần làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội như công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; hay những vấn đề được đặt ra trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, và Luật an ninh mạng đã được các đại biểu tập trung thảo luận một cách sôi nổi và thẳng thắn, với nhiều thông điệp mạnh mẽ. 


Một đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016 

Kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước luôn là nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Đề cập đến sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa, các đại biểu đề nghị làm rõ liệu có hay không tình trạng trì hoãn, cố tình làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chính vì vậy, để tránh thất thoát Quốc hội cần luật hóa các khoản thu chi của quỹ để đồng bộ với luật ngân sách nhà nước, đồng thời định hướng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, có khả năng thu được một phần hoặc toàn bộ vốn, tạo nguồn để tái đầu tư, đồng thời lan tỏa dẫn dắt các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về cổ phần hóa để “bịt kín” các lỗ hổng; bổ sung hoàn thiện khung pháp lý để định giá tài sản vô hình, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

“Nhận diện đối tượng tham nhũng để phòng ngừa, cùng với đó là việc thu hồi tài sản tham nhũng” là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ các đại biểu Quốc hội mà cả dư luận xã hội trong suốt thời gian vừa qua. Sau hơn 13 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhiều đại biểu nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, nổi lên là việc kiểm soát chặt chẽ tài sản của quan chức, tránh “sân sau” và sợ kê khai tài sản”. Bởi trong thực tế hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng "sân sau" để rút tài sản của Nhà nước và tham nhũng, do vậy trong dự thảo luật mới cần tính đến việc kiểm soát đối tượng này, tránh thất thoát tài sản.

Cần phải thấy rõ, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước làm đúng trách nhiệm thì không xảy ra các sự việc tham nhũng. Ngoài ra, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng cần phải có nhiều chế tài để huy động được sức mạnh toàn dân và nhiều tổ chức.

Xen kẽ giữa những phiên họp xem xét, cho ý kiến về những dự án luật cụ thể, một buổi thảo luận tại hội trường Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đã diễn ra với những nhận định thẳng thắn đối với những người được nhân dân giao trọng trách nhấn nút thông qua các dự án luật. Không chỉ nhận xét, đánh giá về những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm của  các cơ quan soạn thảo luật, một số đại biểu cho rằng, nhiều dự án luật rất xa cuộc sống, thiếu thực tế. Có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã gặp phải sự phản đối khá gay gắt từ nhân dân. Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất. Đây cũng chính là vấn đề chúng ta phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành cần phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Nhân dân kỳ vọng cơ quan đại biểu cao nhất của mình sẽ thật sự có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác lập pháp.

Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã tập trung thảo luận cho ý kiến về một loạt các dự án Luật, như: Luật An ninh mạng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Quy hoạch và dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Tuần tới, Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày tập trung cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tập trung vào nhóm vấn đề giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Theo VĂN HIẾU (VOV)