Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong phiên làm việc sáng 1-6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, trong đó có 13 luật, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định có liên quan thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật, nhưng có ý kiến cho rằng tên gọi của dự án luật này còn quá dài, nhiều từ, đề nghị cân nhắc xem có cách nào gọn hơn cho dễ nhớ, đơn giản như thông lệ quốc tế.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất tại Kỳ họp này chỉ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, còn những vấn đề về cơ chế quy định tại các luật này sẽ được nghiên cứu khi tổng kết thực tiễn, không đưa các nội dung chính sách vào trong luật sửa đổi lần này. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với các luật còn lại.
Chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo Luật đã được nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có tính chất kỹ thuật cao nhưng có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh. Nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Tại phiên làm việc chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi và nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo TTXVN