Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở phường Mỹ Hòa

25/04/2018 - 08:44

 - Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong nông nghiệp (NN) đã trở thành cụm từ rất quen thuộc đối với nông dân (ND). Đối với họ, quá trình ƯDCNC phải được tiến hành từng bước, từng giai đoạn và tùy thuộc vào từng địa phương, ngành hàng. Tại khu vực NN đô thị như phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), ND dần tiếp cận ƯDCNC, thử nghiệm cái mới và mong chờ hiệu quả.

Năm 2017, ở ngành hàng lúa, gạo, ND phường Mỹ Hòa xuống giống 50,9ha lúa giống (đạt 98% chỉ tiêu năm), 199ha lúa Nhật (đạt 59%); 518ha lúa thơm, lúa chất lượng cao (đạt 153%). Ở ngành hàng rau màu, tổng diện tích gieo trồng toàn phường là 87,1ha, gồm: sen, cây mè, dưa leo, rau ăn lá… Ở ngành hàng chăn nuôi, 3 hộ thực hiện mô hình trang trại, với 900 con heo; 20 hộ sử dụng túi biogas; 1.200 con gà nuôi trên đệm lót sinh học. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình thuộc ngành hàng thủy sản, cây ăn quả, hoa, cây kiểng, nấm ăn, nấm dược liệu.

Theo tính toán của địa phương, các mô hình NNƯDCNC (đã cho thu hoạch) mang lại thu nhập khá tốt cho ND. Đơn cử, lúa thơm và lúa chất lượng cao được bán với giá 5.500-6.000 đồng/kg, thu nhập từ 45,1 triệu đến hơn 49 triệu đồng/ha, cao hơn lúa thường từ 1-3 triệu đồng/ha. Lúa giống có năng suất tươi bình quân 8,2 tấn/ha, với giá 6.000-6.500 đồng/kg, mang lại thu nhập cao hơn lúa thường từ 4-8 triệu đồng/ha. Hoặc chỉ với hơn 1.000m2 trồng nấm bào ngư và nấm rơm trong nhà, sau khi trừ chi phí, ND thu lợi nhuận 35 triệu đồng/vụ. Mô hình dưa lưới trong nhà màng mang lại thu nhập từ 30-40 triệu đồng/vụ, được xem là tín hiệu đáng phấn khởi.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam xoàn chưa đầy 3 năm tuổi, ông Lê Văn Thảo (sinh năm 1960) chia sẻ: “Tôi ở xứ Lai Vung (Đồng Tháp), đã từng trồng cam, quýt. Khi về đây trồng vườn gặp khó ở chỗ, đất hầm bơm cát tạo thành, khó ươm cây hơn đất thịt. Theo khuyến cáo của ngành NN, tôi ƯDCNC trong trồng vườn bằng cách hạn chế phân hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ. Đặc biệt là đầu tư hệ thống tưới tự động, trước mắt thấy nhẹ công lắm. Thông thường, nhân công phải kéo dây, tưới suốt từ sáng đến chiều không cách nào xong được 5 công vườn, trong khi cây cần tưới nước mỗi ngày. Tôi đầu tư 500 béc phun (tức mỗi cây có 1 béc riêng), tổng chi phí khoảng 5 triệu đồng/công. Hàng ngày, chỉ cần mở từng khu vực béc, tưới trong 20-25 phút. Toàn bộ vườn chỉ mất 1 buổi là xong. Có thể thấy, hệ thống tưới này có công suất bằng 3 nhân công, rất tiện lợi”.

Ông Phan Văn Hưng (sinh năm 1955) tất bật với vườn dưa lưới trong nhà màng của gia đình. Đây là vụ thứ 3 được trồng kể từ khi áp dụng mô hình. Ông nhẩm tính, 2.860 dây này, nếu chăm sóc kỹ sẽ cho năng suất từ 75-80% (mỗi dây cho ra 1 trái, trọng lượng bình quân 1,5kg/trái). Với giá bán 30.000 đồng/kg, xem như ND có thu nhập ổn định. “Ưu điểm của việc áp dụng kỹ thuật này là không cần xử lý phân, thuốc, chỉ dưỡng cây. Cây không sợ côn trùng, sâu bệnh làm ảnh hưởng năng suất; trái thu hoạch đạt độ sạch, ngon ngọt theo yêu cầu. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc rất rườm rà, phức tạp, nhiều công đoạn, buộc người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt, không thể lơ là” - ông Hưng cho biết.

Hiệu quả bước đầu đã được thấy rõ, nhưng việc ƯDCNC vào NN còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí trình diễn, hội thảo và nhân rộng các mô hình chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của tỉnh, thành phố, nên số cuộc thực hiện còn ít. Việc sản xuất lúa Nhật đối mặt với tăng chi phí vận chuyển, chất lượng giống không ổn định. Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Hòa Trần Minh Đúng phân tích thêm: “Vấn đề khó nhất khi ƯDCNC vào NN là mức đầu tư cơ sở vật chất, vốn khá cao. Dù được tỉnh, thành phố hỗ trợ 50% chi phí, nhưng ND còn e ngại thực hiện, bởi vốn đầu tư nặng, sản phẩm có được đầu ra ổn định? Để họ yên tâm sản xuất theo mô hình mới, điều kiện tiên quyết là phải có doanh nghiệp, đầu mối đứng ra tiêu thụ sản phẩm lâu dài, giá cả không bấp bênh. Đội ngũ cán bộ chuyên môn thường xuyên tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình, kiến thức mới, hiệu quả, đầu ra ổn định… rồi mới tính đến việc truyền đạt lại cho ND”.

Để giải quyết những vướng mắc của phường Mỹ Hòa nói riêng, toàn thành phố nói chung, theo Phòng Kinh tế TP. Long Xuyên, năm 2018, đơn vị tiếp tục theo dõi việc đăng ký hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sản xuất NN có ứng dụng nhà màng và hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel từ nguồn vốn Nghị định số 35/2015 ngày 13-4-2015 của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi kết nối sản xuất - tiêu thụ; tham mưu UBND thành phố triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình NN ƯDCNC; tích cực hỗ trợ tư vấn chuyển giao, ƯDCNC để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất; tạo mối liên kết hỗ trợ kỹ thuật giữa người sản xuất với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH