Ứng phó với sự cố tràn dầu

02/01/2023 - 07:36

 - Tần suất xảy ra sự cố tràn dầu tại tỉnh An Giang không cao (từ năm 2015 đến nay chỉ xảy ra 3 vụ tràn dầu, khối lượng dầu dưới 20 tấn - mức 1). Hiện trạng trang thiết bị của các cơ quan và một số cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể ứng phó sự cố tràn dầu ở mức nhỏ. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh, theo phương châm “phòng tốt hơn chống”.

Đánh giá nguy cơ

Theo UBND tỉnh An Giang, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu, bảo đảm sẵn sàng và ứng phó kịp thời, phối hợp hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh; giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động phát sinh từ sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái, đến kinh tế và đời sống của người dân. Cũng từ kế hoạch này, tỉnh hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi sự cố xảy ra.

An Giang có mạng lưới sông ngòi dày đặc, vào mùa mưa lũ nước dâng cao, chảy xiết gây lũ lụt, ngập úng… Đây là nguyên nhân làm mất an toàn cho hệ thống kho, trạm và cửa hàng xăng dầu, hoạt động vận chuyển xăng dầu của phương tiện thủy, bộ, dẫn đến nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu. Tỉnh không có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, không có cơ sở lọc hóa dầu và đường ống dẫn dầu đi qua địa bàn. Chỉ có cơ sở hoạt động kinh doanh, vận chuyển xăng dầu từ kho, cảng xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Kiên Giang… về địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt cho người dân.

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 9 kho xăng dầu đang hoạt động; 1 kho đang trong quá trình hoàn thiện. Hệ thống kho rải rác toàn tỉnh, như: Tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (trữ lượng 2.100m3); phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên (trữ lượng 4.600m3); phường Long Sơn, TX. Tân Châu (trữ lượng 180m3); thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới (trữ lượng 514m3); thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân (trữ lượng 210m3); xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (trữ lượng 2.000m3)… Ngoài ra, An Giang còn có 498 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trong đó, 473 cửa hàng trên đất liền và 25 cửa hàng trên sông).

Vận hành cơ chế diễn tập và chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu. Ảnh: HẠNH CHÂU

Cùng với đó là 108 bến thủy nội địa có hoạt động xăng dầu (4 bến đã ngưng hoạt động); 8 bến phà vận chuyển xe và hành khách qua sông; 88 tàu, sà lan vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên sông, chủ yếu phân bố tại huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành và Phú Tân.

Theo quy định, tỉnh không thành lập lực lượng, phương tiện chuyên trách ứng phó sự cố tràn dầu. Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, UBND tỉnh sẽ đề nghị lãnh đạo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam cùng tham gia (theo Quyết định 12/2021/QĐ-TTg, ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Đánh giá chung trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có của tỉnh; lực lượng, phương tiện hợp đồng của tỉnh; lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp của cấp trên, An Giang đủ khả năng ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu quy mô ở mức trung bình.

Sẵn sàng nhiều phương án

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh đề ra nguyên tắc ứng phó bao gồm: Tiếp nhận thông tin đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng, chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát, đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước, trong, sau ứng phó khắc phục hậu quả; chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

Sở chỉ huy thường xuyên trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại An Giang không phải là ban chuyên trách, mà được đề xuất kiêm nhiệm từ Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự cấp tỉnh. Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng ban thường trực là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các Phó Trưởng ban: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ủy viên là đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh.

Các lực lượng tham gia ứng phó được tổ chức thành các bộ phận: Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn, dập cháy; khoanh vùng khu vực dầu tràn, thông báo, cảnh báo, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; thu hồi dầu tràn; tổ chức khắc phục hậu quả và môi trường.

Về việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh, trước mắt, tỉnh có thể trưng dụng tối đa trang thiết bị hiện có của tỉnh, tại kho xăng dầu, cảng, bến thủy nội địa; ký kết thỏa thuận, hiệp đồng triển khai ứng phó với các đơn vị chuyên nghiệp (Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS), NASOS… Trang thiết bị hiện nay có thể ứng phó sự cố ở mức nhỏ. Hàng năm, sau các đợt tập huấn, diễn tập và cập nhật kế hoạch, tỉnh đánh giá lại nguy cơ gây ra sự cố và năng lực của tỉnh trong công tác ứng phó, từ đó xây dựng kế hoạch mua sắm phương tiện và trang thiết bị phù hợp tình hình thực tế, nguồn kinh phí của tỉnh.

Theo ông Trần Anh Thư, sau khi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, các cơ quan, đơn vị chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; tăng cường nguồn lực địa phương, tổ chức tập huấn tập trung, tuyên truyền và đào tạo cho cơ sở, cảng, cửa hàng xăng dầu… không có điều kiện tổ chức. Toàn tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia theo kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập cấp tỉnh với 2 tình huống sự cố (trên cạn và dưới nước).

VẠN LỘC