Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

18/09/2024 - 05:28

 - Cuộc sống trong thời đại công nghệ số, con người càng bộn bề công việc càng ít tiếp xúc ít hơn với người thật, việc thật. Hầu như ai cũng sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) và có tài khoản trên mạng xã hội (MXH), dành phần lớn thời gian trên không gian mạng để tương tác, trao đổi thông tin. Theo đó, việc ứng xử có văn hóa trên không gian mạng trở thành một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Theo nghiên cứu của Data reportal và We are social, Việt Nam có hơn 78,44 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%. Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam, chiếm khoảng 169,8% dân số. Với sự phát triển của thời đại số, các xu hướng kỹ thuật số và hành vi kỹ thuật số tại Việt Nam đang phát triển.

Khi hầu như ai cũng sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) và có tài khoản trên MXH thì việc trao đổi thông tin trên MXH diễn ra rất sôi động, phong phú. Theo khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này, 87% sử dụng Internet hàng ngày. Các MXH được người dùng Việt Nam sử dụng phổ biến là Facebook (72%), Zalo (hơn 75%), Tiktok (trên 67%), Youtube, Instagram...

 Ảnh: T.L

Trên MXH với vô vàn thông tin, mọi người có thể chia sẻ hình ảnh, âm thanh, và giao lưu, tương tác với nhau. Cũng chính từ đây, phát sinh ra ứng xử trên không gian mạng. Bên cạnh các hành xử văn minh, có không ít các hành động khiếm nhã. Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến lối ứng xử kém văn hóa của người sử dụng MXH tại Việt Nam, thể hiện tập trung ở những hành vi: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do ý thức của một bộ phận người dùng MXH chưa tốt, suy nghĩ nông cạn, bốc đồng, thường xuyên công kích các cá nhân, tổ chức trên mạng.

Chỉ với một clip ngắn quay lại một cảnh nhạy cảm hoặc hình ảnh cắt ghép, deepfake (là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả, dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video clip, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi)... cũng có thể khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Kèm theo đó là rất nhiều bình luận khiếm nhã bình phẩm ngoại hình, truy tìm, tiết lộ thông tin cá nhân... Một số người, thậm chí là người nổi tiếng lại không ngần ngại đăng tải nội dung thô tục, chửi bậy, chia sẻ thông tin sai sự thật lên trang cá nhân...

Điển hình là “hoa khôi” N. E làm “dậy sóng” MXH trong thời gian dài. Cô đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng thông qua các buổi livestream trên MXH, chia sẻ về cuộc sống cá nhân, tình yêu, đề cập đến những góc khuất trong giới showbiz. Kèm theo đó là việc sử dụng những từ ngữ rất “thô tục”, kém văn minh, nhiều buổi livestream đăng cảnh “vừa khóc, vừa chửi”… khiến cộng đồng mạng bức xúc, cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý. Đáng nói, đây là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng truyền thông, nên rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để chấn chỉnh hành vi ứng xử kém văn hóa trên MXH.

Không riêng trường hợp của N. E, thực tế cho thấy, việc xây dựng “phông văn hóa” MXH lành mạnh vẫn chưa được người sáng tạo nội dung chú ý, dẫn đến tình trạng “nội dung bẩn”, giật gân vẫn tiếp tục xuất hiện. Thậm chí, nhiều người cố tình chọn làm cách để tăng lượt like, share…

Căn cứ quy định tại Điều 4, Bộ Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy tắc ứng xử trên không gian mạng cho tổ chức, cá nhân bao gồm: Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ MXH trước khi đăng ký, tham gia MXH. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản MXH và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Đặc biệt, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội… 

Trong xã hội hiện đại, văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử trên không gian mạng nói riêng phải hướng đến sự văn minh, tiến bộ để cuộc sống tốt đẹp hơn.                                                                            

HỮU HUYNH