Ưu tiên dùng nông sản Việt

20/08/2021 - 06:52

 - Dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước. Xuất khẩu ngay lập tức gặp khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản trong tỉnh rớt giá, đời sống nông dân gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân được quan tâm...

Từ mặt hàng rau, củ

Nhiều địa phương, ban, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động. Từ đó, số lượng lớn nông sản trong tỉnh, cụ thể là mặt hàng rau, củ, quả, lúa gạo đã được tiêu thụ. 

Đi đầu trong phong trào này, trước hết phải kể đến vai trò của UBMTTQVN các cấp, ngành công thương, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều ban, ngành, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các xã, phường trong tỉnh. Chính từ việc vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, khẩn trương nên khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam (trong đó có An Giang) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông sản của tỉnh được tiêu thụ, góp phần giúp nông dân giảm bớt được gánh nặng lỗ lã trong vụ mùa sản xuất.

Những chuyến hàng thực phẩm nghĩa tình được đưa lên TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ nhân dân chống dịch

Chị Phan Thị Lệ (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết: “Gia đình trồng 5 công bắp, thời điểm thu hoạch là địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thương lái không đến ruộng mua được. Gia đình lúc này lâm vào cảnh khó khăn. Ngay sau khi nông sản bị ùn ứ, tỉnh có chủ trương lập “đường dây nóng”, tổ điều hành hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ngay sau đó, 5 công bắp của gia dình chị được các nhà hảo tâm mua với giá 2,5 triệu đồng/công để đưa lên TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhờ đó mà vụ bắp vừa rồi chị không bị thua lỗ.

"Ở khu vực này, bà con trồng rẫy rất nhiều, trong đợt dịch vừa qua, nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì các loại rau, củ, quả của nông dân không biết làm sao tiêu thụ”- chị Lệ nói thêm. 

Đến các mặt hàng tiêu dùng khác

Nếu ở TX. Tân Châu có các địa phương, như: xã Long An, Tân An, Phú Vĩnh, Vĩnh Hòa thì ở huyện Chợ Mới có xã Kiến An, An Thạnh Trung, thị trấn Mỹ Luông được chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm mua  nông sản (số lượng lớn) để tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ngoài kênh tiêu thụ này, các đoàn thể chính trị địa phương đã tham gia vận động mở thêm “Gian hàng 0 đồng”, nhờ đó mà lượng nông sản được tiêu thụ. 

Ưu tiên dùng nông sản Việt, hàng Việt là yêu nước. Thực tế cho thấy, những ngày chống dịch, từ rau, củ, đến các mặt hàng tiêu dùng khác (do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất) đã được các địa phương và người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, nhờ đó giúp nông dân, DN sản xuất hàng hóa giảm bớt khó khăn.

“Thực tế tình hình thời gian qua cho thấy, những ngày chống dịch nhờ có các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày do các DN trong nước sản xuất, được các nhà hảo tâm mua tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những hộ nghèo như tôi có được thực phẩm cho gia đình" - chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Các loại rau, củ, quả được tập hợp,  hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh 

Hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhân lên niềm tự hào hàng Việt. Nếu năm 2009 (thời điểm khởi đầu của cuộc vận động), tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khiêm tốn thì đến năm 2018 có 90% hệ thống siêu thị và 60% kênh phân phối truyền thống có các mặt hàng do DN Việt Nam sản xuất. Có đến 92% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm và hưởng ứng cuộc vận động. Tại nhiều địa phương, có 80% người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng dệt may, da giày của DN trong nước, riêng đối với nhóm, hàng thực phẩm, rau, quả trong nước, có trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng. 

“Có thể nói, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần thúc đẩy sản xuất- kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội… Thông qua đó, nhiều mặt hàng nông sản của nông dân trong tỉnh đã được tiêu thụ tốt, nhiều nhãn hiệu hàng hóa do DN trong nước sản xuất được người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động trong thệ thống hội, góp phần thúc đẩy và phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch bệnh” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết.

Bài, ảnh: MINH HIỂN