Vaccine cho trẻ, an lòng mẹ cha

17/11/2021 - 06:34

 - Để hạn chế lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế vừa triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 200.000 trẻ từ 12-17 tuổi và được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là nỗ lực của tỉnh trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất giúp các bậc phụ huynh an tâm đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh “5K”, tiêm vaccine là một trong những điều kiện an toàn khi người dân tham gia các hoạt động và học sinh có thể trở lại trường. Vấn đề là cần chuẩn bị gì để việc tiêm chủng cho trẻ được an toàn.

Ảnh: GIA KHÁNH

Trẻ được bảo vệ, cha mẹ an tâm

Tâm lý chung của phụ huynh là muốn mang lại mọi điều tốt đẹp, bình an cho con. Khi ngày càng nhiều người dân được tiếp cận với vaccine, thì việc tiêm chủng sớm cho trẻ em luôn là điều mong muốn của các bậc cha mẹ. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em (trước mắt là nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi) từ tháng 11-2021 góp phần hóa giải trăm ngàn mối lo cho phụ huynh. “Mừng lắm”, “an tâm” là cảm xúc chung của các phụ huynh được chúng tôi hỏi chuyện. Họ phấn khởi, hồi hộp còn hơn thời điểm bản thân được tiêm.

“Tôi mừng khi biết học sinh lớp 12 được ưu tiên tiêm trước các trẻ khác. Tụi nhỏ nặng áp lực thi tốt nghiệp phổ thông, rất nhiều thứ phải lo lắng. Tiêm vaccine phòng dịch giúp tụi nhỏ an tâm học hành phần nào. Tới ngày tiêm, con tôi nôn nao, háo hức lắm. Trường thông báo 7 giờ 30 phút bắt đầu tập hợp, nhưng 6 giờ con tôi đã thức, sốt sắng chuẩn bị đi sớm. Rút kinh nghiệm từ các phản ứng phụ sau khi tiêm của nhiều thành viên trong nhà, tôi chuẩn bị thức ăn, thuốc uống đầy đủ cho con, dặn dò kỹ lưỡng để con tự chuẩn bị tâm lý” - bà Phạm Thu Trang chia sẻ.

Những buổi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ 17 tuổi được tiến hành đồng loạt, “tốc hành”, dứt điểm nhanh chóng ở từng địa phương. Các em được tạo mọi điều kiện để việc tiêm vaccine nhanh chóng, thuận lợi nhất có thể. Em Bùi Mai Anh (học sinh lớp 12T2 Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Mọi người xung quanh em đều được tiêm vaccine, ngoài một vài phản ứng phụ, tất cả đều khỏe mạnh, không xảy ra sự cố gì. Bởi vậy, em không cảm thấy lo lắng, sợ hãi gì cả. Thầy cô, cha mẹ liên tục động viên, nhắc nhở em ăn uống đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái trước, trong và sau khi tiêm”.

Tương tự, em Phan Đăng Khánh (cùng học lớp 12T2) chia sẻ nhiều hiểu biết của bản thân về dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch: “Được tiêm vaccine, em cảm thấy yên tâm hơn trước. Nhưng em biết rằng, vaccine là một trong số biện pháp phòng ngừa quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối an toàn. Dù đã tiêm vaccine, mỗi người vẫn cần tuân thủ thông điệp “5K”, tránh tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không cần thiết”. Những chia sẻ của Khánh còn cho thấy truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 được phát huy, trang bị kiến thức nền tảng, cần thiết “kháng thể tinh thần” để các em tự bảo vệ mình trước đại dịch.

Để trẻ tiêm vaccine an toàn

Trong tháng 11-2021, khoảng 200.000 trẻ em An Giang từ 12-17 tuổi được tiếp cận vaccine, kể cả trẻ em hiện đang tạm trú tại các hộ gia đình, tại nhà trọ, trẻ lang thang cơ nhỡ, không còn đi học. Địa phương ưu tiên sử dụng trường học làm địa điểm tiêm chủng cho học sinh. Trạm Y tế xã có trách nhiệm tiêm chủng cho trẻ không đi học, tiêm vét. Trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng phong tỏa, bệnh viện… đã có điểm tiêm chủng lưu động phụ trách.

Để công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách an toàn, thuận lợi, ngành y tế và các địa phương đã tích cực chuẩn bị và sẵn sàng cho việc tổ chức tiêm chủng vaccine, đảm bảo các điều kiện chuyên môn theo quy định, như: lực lượng y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn đầy đủ về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; chuẩn bị khu vực tiêm chủng đủ diện tích để đảm bảo giãn cách và quy trình 1 chiều, có thêm khu vực chờ cho phụ huynh; bố trí khu vực theo dõi, cấp cứu nếu trẻ có phản ứng sau khi tiêm; đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu, đặc biệt là đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu tại mỗi điểm tiêm…

Lực lượng giáo viên tại các trường học tổ chức tiêm sẽ tham gia đón tiếp học sinh đến tiêm, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt và hỗ trợ các công việc để buổi tiêm được tiến hành thuận lợi, trật tự, an toàn. Học sinh sau tiêm được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút, trước khi ra về được cấp giấy xác nhận tiêm chủng cùng với hướng dẫn theo dõi tại nhà, trong đó có thông tin số điện thoại của cơ sở y tế để liên hệ khi cần. Sở Y tế cũng yêu cầu đơn vị y tế phải phân công nhân sự trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin phản ứng sau tiêm từ gia đình học sinh và hướng dẫn xử lý kịp thời.

Theo Sở Y tế, chuẩn bị trước khi đi tiêm, phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine COVID-19; cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm; mặc áo ngắn tay; chuẩn bị các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm; khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm. Bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký; thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Trong khi tiêm, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.

Sau khi tiêm, phụ huynh động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine COVID-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và đặc biệt không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày đầu tiên sau khi tiêm vaccine. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,50C nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,50C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất..

Mỗi trẻ hoàn thành tiêm chủng góp phần tăng thêm một chút sức đề kháng cho cộng đồng. Liều tiêm ấy còn có tác dụng “an lòng”, giảm bớt gánh nặng tâm lý cho phụ huynh. Từ đây, từng thành viên trong gia đình cùng nâng cao tinh thần để toàn tâm toàn ý bước vào giai đoạn thích ứng: sinh hoạt, học tập và làm việc trong trạng thái bình thường mới.

GIA KHÁNH - HẠNH CHÂU