Tại thời điểm xả lũ, mực nước đo ngoài đập Tha La là 4,01m, cao hơn mực nước trong đập 1,51m. Còn mực nước đo ngoài đập Trà Sư là 3,9m, cao hơn mực nước trong đập 1,45m.
Sau khi vận hành xả lũ, mực nước nội đồng khu vực tỉnh An Giang có khả năng tăng thêm khoảng 0,3m; khu vực TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tăng thêm khoảng 0,2m, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất người dân vùng hạ lưu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Anh Thư, cho biết: việc vận hành xã lũ hai đập Tha La, Trà Sư là hoạt động thường niên hàng năm, nhằm kiểm soát lưu lượng dòng chảy, giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn, đồng thời cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng…
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn An Giang, mực nước ngày 31-8 được đo tại Tân Châu đạt 4,01m, cao hơn so cùng kỳ 2017 1,01m; mực nước tại Châu Đốc đạt mức 3,57m, cao hơn 1,00m so cùng kỳ năm 2017. Dự báo, trong những ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và khu vực nội đồng Tứ Giác Long Xuyên sẽ tiếp tục lên nhanh và có diễn biến bất thường.
Để bảo vệ tài sản, an toàn của người dân, trong quá trình vận hành mở đập xã lũ, các địa phương có nhu cầu đóng đập, để bảo vệ an toàn đê bao tiểu vùng, thì báo ngay về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang có hướng xử lý kịp thời.
Xả lũ ở đập tràn Tha La
Việc vận hành xả lũ cung cấp phù sa cho vùng hạ lưu
Người dân đến theo dõi xả lũ
Đánh bắt thủy sản khi nước lũ về
TRUNG HIẾU – DUY ANH