Chân dung của chị Sứ trên bia mộ là một cô gái mặc áo dài, tóc buộc gọn. Chị Sứ được coi là điển hình người con gái miền Nam anh hùng, bất khuất. Hình tượng người con gái ấy đã được “tạc” lại chân thực trong tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.
Phan Thị Ràng là tên khai sinh được đặt cho chị, với ý nghĩa nhất định phải rõ ràng trên con đường cách mạng. Trong hoạt động cách mạng, chị còn có bí danh là Tư Phùng, bởi trong gia đình, chị là con thứ 4 trong 5 người anh em ruột. Bên cạnh đó, chị còn có mái tóc dài phùng lên rất ấn tượng.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, mới 13 tuổi, Phan Thị Ràng tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc… Tuổi xuân của người con gái chưa trọn vẹn mối duyên thời chiến và anh dũng nằm xuống với đất mẹ ở tuổi 25. Chị bị địch bắt trên đường làm nhiệm vụ năm 1962, bị tra tấn rồi hy sinh dưới chân núi Hòn Đất. Ngày 20/12/1994, đồng chí Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chị Nguyễn Thị Bình sinh ra và lớn lên ở ngay vùng đất này, từ nhỏ đã được nghe rất nhiều chuyện kể về các cô, chú làm cách mạng. Chị đến Khu Di tích lịch sử Hòn Đất làm thuyết minh viên gần 4 năm. Ngày lễ kỷ niệm, số đoàn đến từ các tỉnh khá đông. Câu chuyện về nữ anh hùng Tư Phùng được chị kể lại bao nhiêu lần… vẫn xúc động như ban đầu.
Lắng đọng nghe về khoảnh khắc cuối đời của chị Sứ bị tra tấn dã man, nhiều người đã không nén được xúc động.
Phía sau ngôi mộ là tượng đài chiến thắng khắc họa hình ảnh 3 tuyến quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng thanh niên xung phong. Bức tượng trên cùng, hình ảnh người phụ nữ cầm chiếc khăn giơ cao thể hiện ý chí và tinh thần bất khuất chính là hình tượng chị Sứ.
2 bên tượng đài có 2 bức tường bằng đá hoa cương, cao 2m, dài 70m. Trên đó khắc ghi 967 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đất này.
Phía trước ngôi mộ, hố bom B52, một trong những tàn tích khốc liệt thời chiến nay trở thành hồ nước hoa súng, hoa sen.
Những ngày lễ ý nghĩa, Hòn Đất đón đông đảo các đoàn khách từ các tỉnh, thành phố đến viếng mộ chị Sứ, giáo dục về lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
Hòn Đất từng là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ và là một trong những trạm dừng chân của con đường 1C huyền thoại do lực lượng thanh niên xung phong khu Tây Nam Bộ đảm trách. Hơn 30 năm chiến tranh trường kỳ, gian khổ, dòng chảy thời gian đã xoa dịu những đau thương để Hòn Đất hôm nay trở nên hiền hòa, thanh bình.
MỸ HẠNH